Sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để giữ ổn định thị trường vàng

Sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để giữ ổn định thị trường vàng
10 giờ trướcBài gốc
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2025 diễn ra sáng 6-5, vấn đề sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành.
Trước tiên, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh thị trường vàng vào thời điểm Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành. Khi đó, thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều vấn đề, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Nghị định ra đời với mục tiêu siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng, kiểm soát cung-cầu, ổn định thị trường và đã hỗ trợ rất lớn cho sự ổn định, an toàn của nền tài chính quốc gia. Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã thành công trong việc ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng vàng hóa.
Vàng “thoát ly” ra khỏi các hoạt động và biến số kinh tế vĩ mô, bảo đảm sự ổn định, an toàn của nền tài chính quốc gia. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trước năm 2012 thường xuyên bị thâm hụt, nhưng sau khi có Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã liên tục được bổ sung và tăng lên. Cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thương hiệu SJC được kỳ vọng sẽ tạo dựng một khuôn khổ quản lý tập trung, hạn chế tình trạng đầu cơ.
Người dân xếp hàng mua vàng tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội), tháng 4-2025. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN
Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ triển khai, những bất cập của cơ chế quản lý theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã bộc lộ rõ ràng. Thứ nhất, việc độc quyền thương hiệu vàng miếng khiến thị trường thiếu cạnh tranh, dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao bất thường, gây thiệt hại trực tiếp cho người dân-đặc biệt là những người có nhu cầu tích trữ vàng để bảo toàn tài sản trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Thứ hai, mô hình độc quyền khiến nguồn cung thiếu linh hoạt. Khi nhu cầu tăng đột biến, NHNN không thể phản ứng kịp thời để bổ sung vàng ra thị trường, gây ra các đợt “sốt giá” cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và ổn định vĩ mô. Thứ ba, hiện nay, chỉ có vàng miếng SJC được công nhận chính thức, trong khi các loại vàng khác không được chuyển đổi, làm giảm tính thanh khoản và gây méo mó giá trị thực của vàng trên thị trường.
Từ góc độ pháp lý và chính sách, việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là cần thiết và cần được triển khai theo hướng mở rộng thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Theo tôi, cần chấm dứt cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng dưới sự cấp phép và giám sát chặt chẽ của NHNN; thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn chất lượng thống nhất cho vàng miếng, nhằm bảo đảm khả năng chuyển đổi lẫn nhau giữa các thương hiệu; tăng cường công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức tài chính, giúp người dân hiểu lợi ích của việc chuyển đổi vàng sang tiền tệ để tái đầu tư; nâng cao năng lực điều tiết thị trường của NHNN, cho phép chủ động can thiệp cung-cầu vàng nguyên liệu phù hợp với biến động thị trường. Cùng với đó, tránh hiện tượng cơ quan quản lý thực hiện chức năng kinh doanh, sản xuất vàng miếng.
Thực tế cho thấy, những bất cập trong cơ chế quản lý hiện tại không chỉ gây khó trong kiểm soát thị trường vàng mà còn kéo theo các hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế vĩ mô. Xu hướng người dân tích trữ vàng quy mô lớn đã và đang đặt ra nhiều rủi ro. Trước hết, vàng không phải là phương tiện thanh toán phổ biến trong nền kinh tế hiện đại, việc dòng tiền chảy vào vàng sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông, suy giảm sức mua và hạn chế nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới có thể tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu, gây khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối, làm gia tăng áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia. Nghiêm trọng hơn, việc chuyển dịch tài sản sang vàng phản ảnh sự suy giảm niềm tin vào đồng nội tệ và nền kinh tế, tạo ra hiệu ứng dây chuyền đến thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và môi trường đầu tư.
Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cần hướng đến mục tiêu quản lý hiệu quả, khuyến khích để huy động nguồn lực từ vàng đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Quản lý hiệu quả thị trường vàng không đơn giản là điều tiết một mặt hàng kim loại quý mà còn là yếu tố thiết yếu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính-tiền tệ và củng cố niềm tin vào chính sách điều hành của Nhà nước.
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sua-doi-nghi-dinh-so-24-2012-nd-cp-de-giu-on-dinh-thi-truong-vang-828683