Ngày 12-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận về dự luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng cần quy định rõ các loại thuế suất đối với một số lĩnh vực, nhất là giáo dục, y tế, đồng thời thể chế hóa ngay những điểm tiến bộ trong Nghị quyết 68 để áp dụng luôn.
Tranh luận về thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, ông Cường nói các đơn vị không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là đơn vị tự chủ, phi lợi nhuận sau khi trừ đi phần chi phí thì phần chênh lệch thu, chi vẫn phải chịu thuế TNDN.
Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận về dự luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: QUỐC HỘI
Ông Cường cho rằng như vậy là không hợp lý. Vì phần chênh lệch này các đơn vị tư thục không chịu thuế TNDN nhưng các đơn vị công lập lại phải chịu thì sẽ tạo ra sự không công bằng trong các khu vực.
“Các đơn vị bệnh viện (BV), trường học nộp thuế TNDN không phải được tính bằng cách lấy thu trừ chi mà thường tính trên 2% doanh thu. Điều này có nghĩa là nếu thu thuế đối với đơn vị này, thì đương nhiên trong giá dịch vụ về y tế và học phí giáo dục sẽ được tính luôn 2% là để dành cho nộp thuế. Như vậy đương nhiên sẽ làm cho học phí tăng lên thêm 2%, giá dịch vụ y tế tăng lên 2% và người bệnh sẽ phải là người chịu việc này, học sinh, người học sẽ phải chịu việc này” - ông Cường phân tích và lưu ý đang có chủ trương miễn học phí, tiến tới không thu viện phí.
Đánh giá về giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng quy định này đã có từ luật cũ, ông Cường nói “không được thuyết phục”.
“Chỉnh sửa luật là vì những gì bất hợp lý, vì những gì chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại chúng ta chỉ ra, phân tích thấy thì cần phải điều chỉnh. Tôi đề nghị các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục của các đơn vị công lập thì không thuộc đối tượng phải chịu TNDN trừ những hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài” - ông Cường đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi thảo luận về dự luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: QUỐC HỘI
Tranh luận, ĐB Nguyễn Vân Chi (Nghệ An), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cơ quan thẩm tra dự luật, cho hay: Cơ chế hiện hành hiện nay là các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế đối với những khoản kinh doanh thêm. Cụ thể như liên doanh, liên kết với bên ngoài với mức 2% trên phần thu nhập có được từ liên doanh, liên kết và thu theo mức khoán tính trên doanh thu, không thu thuế đối với các khoản như viện phí, học phí do các trường hay các BV thu được.
“Vì những khoản phí này đang thu là xuất ra biên lai, cho nên không tính vào doanh thu tính thuế, không có hóa đơn, không áp dụng. Và nguyên tắc không đánh thuế đối với những hoạt động công lập cung cấp dịch vụ công lập này. Vậy nên ĐB cho rằng lấy thu nhập trừ đi chi phí là không phải” - ĐB Chi nói.
Bà cũng nói ý kiến của ĐB Cường đã được xem xét, cân nhắc và “văn bản giải trình mới nói rằng cơ chế hiện hành hiện nay đang thu như vậy. Thật ra đó không phải là vướng mắc như ĐB đang nói”.
Cứ có chữ “dịch vụ” là thu thuế
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) sau đó cũng cho biết các BV, các cơ sở y tế hiện nay có vướng mắc về việc đóng thuế TNDN 2% tổng số thu hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh.
“Như ĐB Chi giải thích rất hợp lý, chỉ đóng thuế này trên các dịch vụ khám yêu cầu liên doanh, liên kết… trong hoạt động khám chữa bệnh. Nhưng thực tế các cơ quan thuế căn cứ vào cụm từ "dịch vụ" để thu thuế, cứ có chữ "dịch vụ" là thu. Trong khi đó, hệ thống y tế có khái niệm thu từ dịch vụ sự nghiệp công nên đa số các nguồn thu của BV đều bị đánh thuế” - ĐB Hiếu nêu.
Ông Hiếu đề nghị quy định rõ đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế không phải nộp thuế TNDN. Cụ thể, đối với khoản thu từ dịch vụ khám chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ như phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thảo luận về dự luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: QUỐC HỘI
Ông Hiếu cho hay trước đây, Bộ Tài chính đã có quy định này nhưng sau đó lại bãi bỏ. ĐB Hiếu đề nghị làm rõ những bất cập trên để các cơ quan thuế căn cứ vào đấy có thể thu thuế cho các BV, cơ sở hoạt động y tế.
Ông Hiếu cũng đề nghị các khoản thu nhập từ tài trợ, viện trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo xã hội thì không tính thu nhập chịu thuế TNDN. “Điều này sẽ giúp rất nhiều cho các BV đang gặp khó khăn trong việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị, sửa chữa xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời động viên được nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước tăng cường hỗ trợ cho hệ thống y tế Việt Nam” - ông Hiếu cho hay.
Cùng với đó, ông Hiếu nêu bất cập trong chính sách thuế TNDN đối với dịch vụ trong lĩnh vực y tế và các dịch vụ hỗ trợ trong y tế. Vì ngoài dịch vụ khám chữa bệnh thì các cơ sở y tế còn có các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc người bệnh, đưa đón người bệnh, mời chuyên gia tư vấn, chứng thương và trích sao hồ sơ bệnh án, giặt là, ăn uống, giường bệnh…
“Luật Thuế TNDN hiện chỉ ưu đãi với dịch vụ khám chữa bệnh nhưng chưa quy định rõ ràng các dịch vụ hỗ trợ. Nếu quy định rõ thì vừa đảm bảo tính công bằng trong chính sách thuế, vừa góp phần giảm chi phí ý tế cho người dân tham gia khám chữa bệnh” - ĐB Hiếu nói và đề nghị áp dụng mức thuế GTGT và thuế TNDN ưu đãi 2% cho các dịch vụ hỗ trợ y tế, miễn thuế cho thuốc bệnh nhân sử dụng trong nội trú.
ĐB Hoàng Văn Cường rất đồng tình với ý kiến của ĐB Chi và ĐB Hiếu. Nhưng ông cho rằng luật hiện nay đang quy định dịch vụ sử dụng ngân sách không thu thuế. Các đơn vị tự chủ không dùng ngân sách nên bị thu thuế.
“Chính vì vậy, hiện nay tất cả học phí hay viện phí như ông Hiếu vừa nói và học phí của các trường công lập tự chủ tự thu cứ thu 2% thuế, thu 100% luôn chứ không phải là phần chỉ kinh doanh liên doanh, liên kết như chị Chi nói. Nhưng chị Chi nói rất đúng, tôi rất đồng tình và chỉ mong muốn đề nghị như thế” - ông Cường nói và đề nghị sửa dự thảo chứ không “người ta cứ đè ra là vì chúng ta không sử dụng ngân sách cho nên cứ thu 2% thuế”.
Cần thể chế hóa ngay các định hướng tốt trong Nghị quyết 68
Nhiều ĐBQH đều cho rằng dự luật thuế TNDN lần này nên thể chế hóa ngay tinh thần, chủ trương của Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân cũng như Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các chủ trương về ưu đãi thuế.
ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng: “Với tinh thần quyết liệt và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 68 nên tôi kiến nghị Chính phủ nghiên cứu và bổ sung ngay trong dự thảo Luật Thuế TNDN lần này hai nhóm quy định”.
Đó là nhóm miễn, giảm thuế. Ở Nghị quyết 68 có ba chính sách: Miễn, giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa trong ba năm đầu thành lập; miễn, giảm thuế TNDN cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; miễn thuế TNDN cho khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp ở tại các DN khởi nghiệp sáng tạo.
Nhóm 2 là một số chi phí được trừ có liên quan đến trong dự thảo luật này là chi phí về đào tạo, đào tạo lại nhân lực. “Chi phí ta gọi là cho phép các DN được tính vào chi phí thu nhập chịu thuế cho các DN có hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế. Những con số mà Nghị quyết 68 đã nói rõ theo tôi chắc không cần nghiên cứu thêm, chủ yếu mình sẽ thể chế hóa ngay vào trong dự thảo luật này” - ĐB Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng đề nghị có chính sách khấu trừ phù hợp thuế TNDN đối với các khoản hỗ trợ chi phí đầu tư, mua sắm máy móc đổi mới công nghệ...
ĐB Hiếu thậm chí còn đề nghị “những quy định tốt, có giá trị, có ý nghĩa” thì lùi thời hạn áp dụng từ đầu năm 2025 như đã từng lùi thời hạn áp dụng Luật DN, Luật Kinh doanh bất động sản. Ông Hiếu khẳng định việc này sẽ nâng cao niềm tin của các DN, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng 8%.
NHÓM PHÓNG VIÊN