Viện phí, y đức và cách hành xử phù hợp

Viện phí, y đức và cách hành xử phù hợp
6 giờ trướcBài gốc
Quá trình cấp cứu vốn là "cuộc đua" từng giây từng phút để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Nhiều vụ việc khiến dư luận đặc biệt quan tâm, khi các y bác sĩ bị ngăn cản, xúc phạm hoặc đe dọa trong lúc đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân. Điển hình là vụ việc tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ, nơi một kíp bác sĩ đang cấp cứu một bệnh nhi bị sốc phản vệ thì bị người nhà bệnh nhân tấn công, gây cản trở quá trình cứu chữa.
Điều này không chỉ gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế mà còn làm gián đoạn, thậm chí cản trở quá trình cấp cứu, vốn là "cuộc đua" từng giây từng phút để giành lại sự sống.
Người trong cuộc và những góc nhìn từ hai phía
Ngay sau khi những vụ việc đáng tiếc xảy ra, Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân đã chia sẻ câu chuyện từ chính gia đình mình.
Một ngày, bà ngoại của ông bị tai nạn giao thông và được người đi đường đưa vào bệnh viện. Dù được chuyển lên tuyến trung ương trong tình trạng còn tỉnh táo, nhưng do không có người thân ký giấy, ca mổ cấp cứu chấn thương sọ não không thể thực hiện. Khi gia đình tìm được bà thì bà vừa qua đời, để lại nỗi đau xót khôn nguôi.
Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân chia sẻ câu chuyện từ gia đình mình.
Là một bác sĩ từng trực tiếp tham gia cấp cứu hàng trăm ca bệnh, ông thấu hiểu nỗi day dứt khi đứng giữa lằn ranh của lương tâm nghề nghiệp và những ràng buộc về quy trình, tài chính.
Chia sẻ của ông không chỉ là một lời tâm sự cá nhân, mà còn mở ra cái nhìn chân thực về những khó khăn âm thầm mà đội ngũ y tế đang phải đối mặt mỗi ngày, nơi ranh giới giữa sống và chết không chỉ phụ thuộc vào chuyên môn, mà còn bị chi phối bởi giấy tờ, viện phí và cả sự cảm thông từ xã hội.
Còn với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương thì câu chuyện viện phí tại 2 bệnh viện mang những góc độ khác nhau.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Ngay từ khi tham gia vào ban giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã thống nhất chủ trương bệnh nhân không có tiền cũng phải cấp cứu. Số lượng bệnh nhân không trả tiền cũng có, nhưng không nhiều vì đa phần người bệnh và gia đình luôn tôn trọng những người đã chữa khỏi cho mình”.
Khi giữ chức Giám đốc, ông cũng quyết định bỏ quy định đóng tiền khám trước, cho phép bệnh nhân vào thẳng phòng khám. Chỉ sau khi có chỉ định cận lâm sàng, người bệnh mới ra quầy đóng viện phí một lần. Dù ban đầu có lo ngại bệnh nhân khám xong bỏ về nhưng thực tế điều này hiếm xảy ra tại bệnh viện.
Tuy nhiên, khi về làm Giám đốc kiêm nhiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cảm nhận được rõ hơn áp lực từ tuyến y tế địa phương. “Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ: không để bệnh nhân nghèo bị bỏ rơi trong tình huống cấp cứu. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc. Nhưng quả thực, với nguồn thu chủ yếu từ bảo hiểm y tế, đây là gánh nặng không nhỏ bởi nhiều người nghèo không có thẻ bảo hiểm y tế và không có người thân”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kể.
4 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương có 55 ca không có thân nhân, trong đó có 11 ca chữa thành công, bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện và... không hề đóng một đồng viện phí nào.
Dẫn chứng điều này, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết, thống kê 4 tháng đầu năm 2025 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đã có 55 ca không có thân nhân, trong đó có 11 ca chữa thành công, bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện và không hề đóng một đồng viện phí nào. Số liệu trên mới chỉ là con số thống kê 4 tháng.
Ngoài ra, cũng còn rất nhiều bệnh nhân có người thân nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn không đóng được viện phí. Với những trường hợp này, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện và các nhà hảo tâm phải vào cuộc chung tay hỗ trợ.
Tình trạng bệnh nhân “trốn viện” vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, không có nhân viên nào từng phải bỏ tiền túi bù vào khoản thất thu đó. Nếu có sai sót là do thái độ thiếu phù hợp, không tuân thủ quy trình hoặc thiếu trách nhiệm thì sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, trừ thu nhập, chuyển công tác đến mức cao nhất là buộc thôi việc.
Bệnh viện công vẫn đang là điểm tựa cho những người nghèo, người yếu thế. Nhưng trong bối cảnh quá tải, thủ tục rườm rà, cùng áp lực cơ chế tự chủ tài chính, không ít tình huống cấp cứu bị trì hoãn hoặc hiểu lầm là “chưa có tiền thì không cứu”.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu
Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, câu chuyện viện phí không chỉ là con số, mà còn là câu chuyện về đạo đức và phẩm giá ngành y. Bệnh viện công vẫn đang là điểm tựa cho những người nghèo, người yếu thế. Nhưng trong bối cảnh quá tải, thủ tục rườm rà, cùng áp lực cơ chế tự chủ tài chính, không ít tình huống cấp cứu bị trì hoãn hoặc hiểu lầm là “chưa có tiền thì không cứu”. Điều này đáng lo hơn cả là dẫn đến chẩn đoán và điều trị sai lệch.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi không nằm ở việc có miễn phí hay không, mà là làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả của khoa cấp cứu, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ tính bằng giây. Mỗi tuyến điều trị, mỗi bệnh viện cần xây dựng quy trình cấp cứu phù hợp với nguồn lực thực tế.
Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế "bù lỗ" cho các đơn vị hồi sức cấp cứu, bởi không thể để những khoa trọng yếu này tự chủ tài chính. Những khoản thất thu do bệnh nhân không có khả năng chi trả cần được ngân sách địa phương hoặc chính bệnh viện gánh sau kiểm toán. Và cuối cùng, để phòng cấp cứu thực sự là nơi bình an, pháp luật phải nghiêm khắc trừng trị các hành vi bạo lực với nhân viên y tế.
Xây dựng “Quỹ khẩn cấp” cho cấp cứu để gỡ nút thắt căng thẳng
Trên thực tế, Quỹ Bảo hiểm y tế đã xử lý được rất tốt phần lớn những câu chuyện liên quan đến viện phí, đặc biệt là với nhóm yếu thế.
Từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn chia sẻ, mọi trẻ đến viện đều được đánh giá dựa trên tiêu chí cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nếu trẻ đủ điều kiện, sẽ được xác nhận cấp cứu và nhập viện, được hưởng bảo hiểm y tế ngay.
Trong trường hợp thiếu giấy tờ, bệnh viện có thể hướng dẫn gia đình bổ sung, thậm chí bác sĩ trực tiếp liên hệ về địa phương hỗ trợ.
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn
Với những trường hợp chưa đủ tiêu chí lúc nhập viện nhưng sau đó chuyển nặng, bệnh viện sẽ linh hoạt cập nhật để bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế hợp lý. Tất cả trẻ cấp cứu đều được tiếp nhận điều trị không phân biệt có hay không tạm ứng viện phí, kể cả chưa có đầy đủ giấy tờ. Những kỹ thuật cao như ECMO, lọc máu… vẫn được thực hiện nếu có chỉ định, còn thủ tục và chi phí sẽ được hỗ trợ xử lý sau. Trong trường hợp thiếu giấy tờ, bệnh viện có thể hướng dẫn gia đình bổ sung, thậm chí bác sĩ trực tiếp liên hệ về địa phương hỗ trợ.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại khoa cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu Nghị cho rằng quan trọng nhất là nhân viên y tế tiếp cận bệnh nhân đúng cách, đánh giá đúng tình trạng và biết cách giao tiếp với người nhà người bệnh, tách người nhà ra khỏi khu làm việc chuyên môn nếu họ quá kích động.
Đồng thời, phải giải thích rõ ràng cho người nhà để họ hiểu quy trình xử trí, nhất là trong các tình huống bệnh nhân đến cùng lúc với mức độ nguy kịch khác nhau. Có như vậy, bác sĩ mới có thể tập trung chuyên môn, làm tốt nhiệm vụ trong môi trường an toàn.
Thủ tục và chuyên môn y tế cần được tách biệt để không gây ảnh hưởng tới quá trình khám chữa bệnh.
Đề cập câu chuyện bị từ chối cấp cứu do chưa đóng viện phí được phản ánh trên mạng xã hội, không có người thân đi cùng, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập một quỹ riêng để thanh toán chi phí cấp cứu, giúp nhân viên y tế yên tâm tập trung chuyên môn hoàn toàn vào việc cứu chữa.
Đồng tình với việc này, bác sĩ Khiêm cho rằng: Trước mắt các bệnh viện nên thành lập một quỹ rủi ro. Quỹ này có thể được xây dựng từ việc trích một phần doanh thu của bệnh viện hoặc kêu gọi từ thiện. Hoặc Nhà nước nên hỗ trợ chi phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế - phần quỹ chi cho những yếu tố rủi ro để hỗ trợ những bệnh nhân không đủ khả năng chi trả viện phí hoặc trốn viện.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khiêm, giải pháp các bệnh viện lập quỹ chỉ mang tính ngắn hạn, còn về lâu dài, trước khi miễn viện phí cho toàn dân thì Nhà nước nên cấp thẻ bảo hiểm y tế cho toàn dân.
Nhiều gợi mở từ những người trong nghề để có một môi trường y tế nhân văn và an toàn.
“Mỗi công dân khi sinh ra đã có mã số định danh thì đi kèm theo luôn là mã số bảo hiểm y tế. Khi mỗi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế thì họ yên tâm khám, chữa bệnh và các cơ sở y tế cũng “yên tâm” hơn khi có Quỹ Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả. Đây là biện pháp mà tôi cho rằng hữu hiệu nhất và hiệu quả lâu dài nhất”, bác sĩ Khiêm bày tỏ.
"Trước đây, đã có lần tôi phải tự bỏ tiền túi trả viện phí cho bệnh nhân, tuy nhiên số tiền cũng không nhiều và không phải quá thường xuyên. Tôi luôn dặn nhân viên là ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân trước, thủ tục tính sau, bệnh nhân là quan trọng nhất. Thiếu sót ở đâu, sai sót thế nào tôi sẽ chịu trách nhiệm", bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Với bác sĩ Quan Thế Dân, người chia sẻ câu chuyện bản thân, ông cho rằng từ thực tế căng thẳng giữa nhiệm vụ chuyên môn và yêu cầu tài chính trong cấp cứu, ngành y cần hình thành một Quỹ Thanh toán cấp cứu.
Theo đó, bác sĩ chỉ tập trung cứu người trong tình huống khẩn cấp, còn việc thanh toán sẽ do quỹ xử lý sau khi đánh giá hồ sơ. Người bệnh có thể hoàn trả theo lộ trình phù hợp hoặc được xem xét miễn phí nếu hoàn cảnh khó khăn. Quỹ này có thể huy động từ nhà nước, bảo hiểm, nguồn từ thiện… Nhờ đó, y tế giữ được tính nhân văn, giảm áp lực tài chính và bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ cấp cứu.
Chia sẻ trên mạng xã hội, một số nhân viên y tế cho biết, dù chưa có quỹ hỗ trợ cấp cứu riêng nhưng với bệnh nhân gặp khó khăn, Phòng Công tác xã hội sẽ đứng ra vận động sự hỗ trợ từ cộng đồng. Trường hợp người bệnh xuất viện chưa thanh toán đủ viện phí, bệnh viện sẽ cử người liên hệ để hoàn tất. Nếu không thu được, chi phí đó sẽ được trích từ nguồn tài chính của bệnh viện.
TRUNG HIẾU - ĐỖ THOA
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/vien-phi-y-duc-va-cach-hanh-xu-phu-hop-post879241.html