Sửa Luật Đầu tư công: Bảo đảm thống nhất với các luật khác, tránh phát sinh vướng mắc mới

Sửa Luật Đầu tư công: Bảo đảm thống nhất với các luật khác, tránh phát sinh vướng mắc mới
2 tháng trướcBài gốc
Cần rà soát, đánh giá kỹ tác động
Do Luật Đầu tư công (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan tới các quy định trong các Luật khác nên nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai sau khi Luật được thông qua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (TP. Hà Nội) tham gia thảo luận.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (TP. Hà Nội) nêu trực diện bằng mối quan hệ giữa dự thảo Luật Đầu tư công với các quy định của Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024).
Luật Thủ đô 2024 là đạo luật có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cả những chính sách về đầu tư công (như về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư…). Khoản 2 Điều 50 của Luật cũng yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng dự án Luật có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật đang được xây dựng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, trong hồ sơ Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) chưa thấy có nội dung rà soát, đánh giá nêu trên. Sơ bộ đánh giá, một số quy định của Luật Thủ đô sẽ không thể thực hiện được nếu dự thảo Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị dự thảo Luật cần được rà soát, đánh giá một cách chặt chẽ, thận trọng, có đối chiếu với quy định trong các luật khác có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tránh việc tạo ra thêm những mâu thuẫn, vướng mắc khác làm ảnh hưởng để hiệu quả thi hành pháp luật.
Như vậy, nếu giao UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương thì quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật Thủ đô sẽ không còn phù hợp. Do đó, nữ đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các quy định trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), cũng như trong các dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực đầu tư và tài chính được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này đối với việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận.
Cũng quan tâm đến sự thống nhất giữa các quy định pháp luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu một số điểm còn băn khoăn. Về giải thích từ ngữ, Điều 4, tại khoản 5 giải thích về các loại chương trình, dự án đầu tư công, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Theo đại biểu, với giải thích như vậy dễ dẫn đến cách hiểu là bất kỳ chương trình, dự án nào sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đều là dự án đầu tư công.
Theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, dự án do nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, công ty con của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn ODA vốn vay ưu đãi theo cơ chế tài chính vay lại 100% vốn nước ngoài không phải là dự án đầu tư công và nằm ngoài phạm vi của Luật Đầu tư công. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định trên cho thống nhất, giải thích bổ sung cụm từ "quy mô đầu tư" để rõ hơn.
Quy định phân cấp có chỗ chưa thống nhất với các cơ chế đang có
Cho rằng việc phân cấp, phân quyền trong đầu tư công là điểm mới rất tích cực trong dự thảo Luật, song, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) bàn đến sự thống nhất trong các nội dung liên quan đến phân cấp ủy quyền. Khoản 3 Điều 45 dự thảo có nội dung: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổ chức lập và thẩm định, phê duyệt dự toán, nhiệm vụ, quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư". Theo Điều 13 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho hay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ban hành văn bản phân cấp là không thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) liệt kê một số điểm chưa đồng bộ của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Điểm b khoản 2 Điều 39 dự thảo có nội dung: "người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư". Khoản 3 Điều 47 có nội dung: "cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án đó". Đối với các dự án được phân cấp, trường hợp điều chỉnh chương trình, dự án cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư được phân cấp quyết định điều chỉnh.
Theo các quy định này, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương được lựa chọn phân cấp hoặc ủy quyền, nhưng tại Khoản 3, Điều 47 chỉ quy định liên quan đến nội dung phân cấp khi điều chỉnh chương trình, dự án nên các dự án đã được ủy quyền quyết định đầu tư nhưng phát sinh điều chỉnh vẫn phải trình lại cơ quan ủy quyền để quyết định điều chỉnh là chưa thống nhất, đồng bộ với các cơ chế đã nêu trên./.
Tránh việc sửa luật nhưng vẫn không tháo gỡ được vướng mắc
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với các luật khác, đặc biệt là các luật chuyên ngành về ngân sách, nợ công và Luật Thủ đô, các luật dùng một luật sửa nhiều luật thông qua tại kỳ họp này. Mục đích nhằm không để xảy ra việc sửa Luật Đầu tư công nhưng không tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc do mâu thuẫn với các luật khác hoặc phát sinh vướng mắc mới.
Đông Mai
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-dau-tu-cong-bao-dam-thong-nhat-voi-cac-luat-khac-tranh-phat-sinh-vuong-mac-moi-163366.html