Theo kế hoạch ban đầu, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (vừa kết thúc) xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, gần kết thúc Kỳ họp, Quốc hội thống nhất không thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 9, để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tổng thể Luật Quy hoạch theo Tờ trình của Chính phủ.
Ngay sau quyết định trên của Quốc hội, ngày 1/7, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về một số nội dung quan trọng, trong đó có các phương án sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch để chuẩn bị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Ảnh: VGP
Tại cuộc họp, cho ý kiến về phương án sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là nội dung được Bộ Chính trị, Quốc hội rất quan tâm. Đề nghị trong lần sửa đổi này phải đảm bảo đồng thời xử lý các vướng mắc, chồng chéo liên quan trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Góp ý cụ thể vào các chính sách đề xuất sửa đổi, Thủ tướng ủng hộ việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương đối với quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Từ đó, khai thác tối đa hiệu quả từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đồng thời tạo điều kiện phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ngành, địa phương.
Theo đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến, xây dựng, phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng với các định hướng mang tính chiến lược. Phân cấp cho Bộ trưởng phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia và UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tỉnh, trên nguyên tắc quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh phải tuân thủ, phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.
Đồng thời, thiết kế công cụ, chế tài để tăng cường giám sát, kiểm tra trên tinh thần hậu kiểm thay vì tiền kiểm và lấy ý kiến các chủ thể liên quan theo quy định. Cơ quan có thẩm quyền sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh nếu không phù hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
“Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nhất là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi, giảm phiền hà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản", cơ chế "xin-cho". Cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bảo đảm tiến độ và chất lượng.”, Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến tiến độ hoàn thành các quy hoạch, theo Bộ Tài chính, đến nay đã có 108/110 quy hoạch (đạt 98,2%) được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, trong đó có 81/110 kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, cũng như sắp xếp lại các tỉnh, thành phố theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động từ ngày 1/7, công tác quy hoạch đang đặt ra những yêu cầu mới, nhằm tạo ra không gian phát triển bứt phá không chỉ cho riêng từng địa phương, mà còn mang tính chất vùng và liên vùng trên phạm vi cả nước.
Do đó, các gợi mở quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ vừa nêu ra là những định hướng lớn, để Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án sửa đổi tổng thể Luật Quy hoạch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhằm tạo đột phá về hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về quy hoạch trong thời gian tới.
Hữu Hòe