Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nền thành tích rất đáng ghi nhận, tự hào về sắp xếp, tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của cả nước, tạo khí thế, niềm tin hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cả năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tỷ giá còn cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% còn rất nhiều khó khăn, áp lực. Buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc, tình trạng găm hàng, đội giá, thao túng thị trường…vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đề cập đến số bài học kinh nghiệm quan trọng, Thủ tướng lưu ý đến việc phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng, thực hiện '3 tăng tốc'
Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả với 3 "không để" gồm: Không để người dân, doanh nghiệp nào không được giải quyết thủ tục hành chính hoặc thủ tục kéo dài; không để bất cứ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, người bệnh phải được khám chữa bệnh kịp thời, hiệu quả; không để các dự án đang triển khai bị đứt gãy, không có người chịu trách nhiệm.
"Trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo," Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu 3 tăng tốc gồm: Tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025; tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công.
Giải quyết kịp thời chính sách cho người nghỉ việc
Trong thực hiện một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng lưu ý thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ việc sau sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, phương tiện và tài sản công, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (không duy trì Cổng dịch vụ cấp tỉnh từ 1/7/2025), bảo đảm thông suốt, không để ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. "Coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả," Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, nhanh, bền vững, tuần hoàn; nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được giao phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Bộ Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển trong 2025; thực hiện ngay các giải pháp đối với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao theo Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025.
Yêu cầu khẩn trương chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, các cơ quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình; trên cơ sở đó, xem xét các nhà đầu tư, phương án đầu tư (gồm cả trong và ngoài nước, cả khu vực nhà nước và tư nhân), bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, phương án nào có lợi nhất cho đất nước thì làm và quyết tâm chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Kiều Chinh