Sức bật trên thành phố trẻ

Sức bật trên thành phố trẻ
2 giờ trướcBài gốc
Du khách đến thành phố Lạng Sơn trải nghiệm Festival phở vịt xứ Lạng năm 2024
Năm 2002, thị xã Lạng Sơn được công nhận là thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh Lạng Sơn, tại Nghị định 82/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ về việc thành lập thành phố Lạng Sơn, thuộc tỉnh Lạng Sơn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn thời kỳ đổi mới.
Để xây dựng đô thị thành phố Lạng Sơn xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Lạng Sơn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thành phố Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế, chính sách bố trí nguồn vốn và thu hút đầu tư, phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn. Cụ thể như: Nghị quyết số 62-NQ/TU, ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn đến năm 2020; Nghị quyết số 40-NQ/TU, ngày 5/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, UBND tỉnh và thành phố Lạng Sơn đã triển khai hàng loạt các chương trình, đề án, quy hoạch, lập danh mục đầu tư công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế trên địa bàn thành phố Lạng Sơn trong suốt nhiều năm qua.
Ông Vũ Văn An, Chủ tịch hội Kiến trúc sư Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn chia sẻ, từ khi thành phố Lạng Sơn được thành lập thì nguồn lực của tỉnh ưu tiên đầu tư cho thành phố được quan tâm hàng đầu. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành chú trọng công tác quy hoạch phát triển đô thị vừa để đầu tư cơ sở hạ tầng vừa thu hút đầu tư theo hướng đầu tư đồng bộ, trọng tâm tạo sức lan tỏa.
Nhà thầu thi công hạng mục hạ tầng giao thông khu đô thị Nam Hoàng Đồng mở rộng
Theo số liệu thống kê, kế hoạch vốn đầu tư công bố trí thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố từ 2016 - 2025 là 6.197 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2016-2020 bố trí 2.822 tỷ đồng bố trí cho 107 dự án; giai đoạn 2021-2025 bố trí 3.375 tỷ đồng bố trí cho 58 dự án (chiếm khoảng 20% kế hoạch vốn đầu tư công trong 10 năm của tỉnh. Trong đó, giai đoạn năm 2021-2023, tỉnh đã bố trí 1.516 tỷ đồng; năm 2024, tỉnh đã bố trí 779 tỷ đồng để thành phố Lạng Sơn triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông và các dự án chỉnh trang đô thị cho thành phố.
Đáng chú ý, các dự án hạ tầng lớn đã và đang được đầu tư từ năm 2016 đến nay như: dự án cầu Kỳ Cùng; dự án cải tạo nâng cấp đường Bà Triệu đoạn Lý Thái Tổ đến Nguyễn Đình Chiểu; dự án công viên hồ Phai Loạn, công viên 15/6; dự án đường Lý Thái Tổ kéo dài và khu dân cư, tái định cư thành phố; dự án hệ thống thoát nước thải thành phố Lạng Sơn; dự án kè cải tạo suối Lao Ly… Ngoài ra, UBND thành phố cũng triển khai đầu tư hàng loạt các công trình hạ tầng khu dân cư để tạo nguồn vốn tái đầu tư cho thành phố như: tiểu khu tái định cư khối 9 phường Vĩnh Trại; hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và dân cư Mỹ Sơn; hạ tầng khu dân cư khối 9 phường Vĩnh Trại (Ao Cạn – Bãi Than); dự án hạ tầng khu dân cư khối 8 phường Đông Kinh…
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Bên cạnh việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị, thành phố cũng chú trọng đầu tư các công trình phục vụ giáo dục và đào tạo, các công trình tu bổ di tích văn hóa phục vụ phát triển du lịch, kinh tế đêm của thành phố. Cùng với đó, thành phố cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án do nhà đầu tư triển khai trên địa bàn thành phố. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 90% diện tích đối với dự án mở rộng khu đô thị Nam Hoàng Đồng; dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng… Ngoài ra, thành phố cũng đã sẵn sàng triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án khu liên hợp thể thao thành phố Lạng Sơn, quy mô 29 ha tại xã Mai Pha. Đồng thời, UBND thành phố đang tích cực thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với dự án cải tạo, mở rộng đường Chu Văn An để đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Do đẩy mạnh đầu tư về hệ thống cơ sở hạ tầng không những tạo diện mạo mới cho thành phố trẻ Lạng Sơn, mà còn góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có, thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, kích thích nội lực, thu hút nhiều nguồn lực mới đầu tư vào thành phố.
Theo số liệu thống kê của UBND thành phố, từ sự lan tỏa của hệ thống cơ sở hạ tầng, từ năm 2016 đến tháng 9/2024, thành phố Lạng Sơn đã huy động được trên 10 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn (cao hơn cả giai đoạn 2000-2015). Số doanh nghiệp của thành phố Lạng Sơn tính đến hết tháng 9/2024 đã đạt gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hàng năm đóng góp cho ngân sách thành phố khoảng 115 tỷ đồng/năm.
Hệ thống cơ sở hạ tầng còn tạo ra nhiều dư địa phát triển mới, thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển. Theo tư liệu chúng tôi thu thập, nếu như giai đoạn 2015-2020, tổng lượt khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn đạt 8,9 triệu lượt người, thì từ năm 2021 đến hết 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn đã đạt khoảng 9 triệu lượt khách. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn đạt 2,938 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 285% so với cùng kỳ.
Qua đó, kinh tế của thành phố luôn duy trì đà tăng trưởng cao, sự gắn kết giữa đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ với phát triển du lịch, dịch vụ đã tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân thành phố Lạng Sơn ngày càng được cải thiện.
Những kết quả trên khẳng định trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các định hướng phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả. Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thành phố Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng thành phố Lạng Sơn thành đô thị xanh, sạch, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
TRANG NINH
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/suc-bat-tren-thanh-pho-tre-5025199.html