Tỷ giá USD tăng khi lãi suất trong nước giảm và nhu cầu ngoại tệ gia tăng. Ảnh: Hoàng Anh
Nửa đầu năm 2025, giá đồng USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh liên tục từng ngày, theo chiều hướng tăng và đi sát với những biến động trên thế giới.
Ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và đồng USD là 25.121 đồng, thiết lập đỉnh mới kể từ năm 2016, khi cơ chế tỷ giá trung tâm bắt đầu được áp dụng.
Tính từ đầu năm nay, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD đã tăng khoảng 3,1%. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do vượt mức 26.200 đồng.
Theo Chứng khoán MB (MBS), tỷ giá cũng chịu sức ép bởi nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng cao, nguồn cung ngoại tệ bị thắt chặt khi Kho bạc Nhà nước đã mua vào gần 1,6 tỷ USD trong năm nay.
Không chỉ riêng với USD, tỷ giá của đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác cũng biến động mạnh trong thời gian qua, với sự mất giá trên 10% đối với đồng Euro và đồng Yên Nhật.
Mức tăng tỷ giá được giới chuyên gia và các công ty chứng khoán đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa gây sốc đến nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ giá leo thang lại gây không ít áp lực đối với doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu.
Bào mỏng lợi nhuận doanh nghiệp
Dù doanh thu tăng nhưng Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil) ghi nhận lợi nhuận tụt dốc mạnh trong quý I/2025 do lỗ chênh lệch tỷ giá làm đội chi phí tài chính, bên cạnh việc giá dầu có xu hướng giảm.
Cụ thể, công ty đạt doanh thu gần 32.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ nhưng giá vốn cũng tăng theo lên 12%, đạt gần 32.000 tỷ đồng, khiến lãi gộp của PV Oil chỉ đạt 831 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.
Song song với đó, PV Oil ghi nhận chi phí tài chính đạt 102 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi vì chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá, cùng các khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư. Kết quả, doanh nghiệp lãi sau thuế chỉ 28 tỷ đồng, giảm 88% so với quý I/2024.
Đại hội đồng cổ đông 2025 của Tổng công ty CP Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cũng lo ngại về việc tỷ giá làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, qua đó thu hẹp biên lợi nhuận, qua đó xếp đây vào rủi ro ở mức “trung bình”.
Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên đến gần 1.000 tỷ đồng trong hai quý đầu năm và có thể đạt 1.700 tỷ đồng vào cuối năm nay, do đồng Yen Nhật tăng giá mạnh.
Với điều này, dự kiến lãi trước thuế của ACV có thể giảm gần 17% về mức hơn 10.500 tỷ đồng, dù doanh thu kế hoạch tăng nhẹ 2%.
Đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các ngành cung cấp những dịch vụ tiện ích cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên… có “tương quan âm” với tỷ giá, tức sự gia tăng tỷ giá thường kéo lùi lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này.
Mặc dù về lý thuyết, các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi nhờ nếu tỷ giá tăng nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó bởi nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy nhiên, ngành dệt may dù có đến 80% nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu nhưng lợi nhuận không có tương quan rõ rệt đối với tỷ giá. Theo VDSC, điều này có thể xuất phát nhờ hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các doanh nghiệp dệt may.
Ngoài ra, các doanh nghiệp không có hoặc có vay nợ ngoại tệ với tỷ lệ thấp cũng tránh được phần nào rủi ro liên quan đến tỷ giá.
Sức ép trong nửa cuối năm 2025
Chỉ số đồng USD (DXY – đo lường sức mạnh của USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác) đang trên đà giảm, thể hiện sự suy giảm về sức mạnh của đồng USD. Theo VDSC, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong dài hạn do tính thiếu bền vững của nợ công Mỹ và xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá đồng Việt Nam với USD sẽ tiếp tục chịu sức ép trong nửa cuối năm 2025 do chính sách thuế của Mỹ.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán sẽ gây ảnh hưởng tới tỷ giá. Thực tế, khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng, cũng là một nguyên nhân tạo ra sức ép tỷ giá trong hai quý đầu năm.
Cũng nhận định tỷ giá tiếp tục tăng, có thể đạt 26.400 đồng vào quý III/2025, Ngân hàng UOB dự báo, tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam hạ về mức 26.200 đồng vào quý IV/2025 và dần trở về mức ổn định trong năm 2026.
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia UOB, doanh nghiệp có thể tận dụng giai đoạn tỷ giá cao để tăng thâm nhập thị trường, tăng doanh số bán hàng, qua đó bù đắp rủi ro đến từ áp lực thanh toán bằng đồng USD.
Ngoài ra, cơ chế phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá với các công cụ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, bên cạnh việc cân nhắc giảm dư nợ vay ngoại tệ.
Phạm Sơn