Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh của Người còn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới.
Tư tưởng của Người luôn tỏa sáng, như ngọn đuốc dẫn dắt chúng ta đi trên con đường cách mạng, vì độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ của Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo hướng đa phương và đa dạng. Những nguyên tắc này là sự thể hiện sâu sắc tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại Việt Nam, tinh hoa văn hóa đối ngoại thế giới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Câu tuyên ngôn cách đây 77 năm của Người về đa dạng hóa quan hệ quốc tế cho đến nay vẫn là đường lối đối ngoại chính của đất nước ta sau rất nhiều thăng trầm, đổi thay của lịch sử; là kim chỉ nam đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh và đem lại những thắng lợi vẻ vang cho ngoại giao Việt Nam trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam - nhà ngoại giao kiệt xuất sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại đã để lại di sản vô giá mang tên “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” với đầy đủ nguyên lý, nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao. Người huấn thị, ngoại giao “phải luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”; “độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế”…
Người luôn đặt Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn; coi trọng các trung tâm quyền lực, các trào lưu lớn; thấy rõ được xu thế chung và chiều hướng của tiến bộ xã hội; kết hợp hài hòa giữa các giá trị dân tộc và quốc tế để gửi gắm hiệu quả các thông điệp ngoại giao; thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, nỗ lực giải quyết bất đồng bằng các phương cách hòa bình… Đặc biệt, nét nổi bật nhất của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi; vận dụng nhuần nhuyễn “5 cái biết”, đó là: “Biết mình - biết người - biết thời thế - biết dừng và biết biến”, là khả năng tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.
Đạt được những kết quả quan trọng của ngày hôm nay, trước hết là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với thế, lực và uy tín của đất nước; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; sự hợp tác của các đối tác, bạn bè quốc tế; đồng thời, đó là sự nỗ lực của ngành Ngoại giao, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, trong đó có vai trò của đối ngoại Quốc hội.
Là một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao Nhà nước Việt Nam, hoạt động đối ngoại Quốc hội đã tạo xung lực mới trong việc tăng cường quan hệ với các nước đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác có nhiều tiềm năng; làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, từ đó, làm cơ sở để giành được sự tin tưởng, ủng hộ từ các nước, bạn bè quốc tế trong các vấn đề thuộc lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Quốc hội Việt Nam đã thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng: “Việt Nam muốn làm bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”; “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Quốc hội Việt Nam với ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhân dân mang bản sắc Việt Nam đã đóng góp quan trọng trong thực hiện Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Trên thực tế, Quốc hội Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế hợp tác nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA); Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF); Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF); Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP)… đã tham gia tích cực, có trách nhiệm, chủ động đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng, tạo sự chuyển biến thực chất trong hoạt động của các tổ chức này, nâng tầm Việt Nam từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, góp phần bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược phát triển của Việt Nam. Sự tham gia tích cực tại các diễn đàn liên nghị viện song hành với các diễn đàn quốc tế của Chính phủ như IPU - Liên hợp quốc; AIPA - ASEAN; APPF - APEC; APF - OIF… thể hiện rõ nét sự đồng hành của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Sống trong thời đại Hồ Chí Minh, nay, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng, đất nước hơn tất thảy tiếp tục cần phải - buộc phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Vang vọng đâu đó trong hào khí dân tộc ta lúc này lại xuất hiện những lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Những ngày này, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại Lễ khai mạc, ngay những lời đầu, người đứng đầu Đảng ta đã yêu cầu: “Chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Tôi đề nghị phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu, sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”.
Sau kỷ nguyên độc lập - tự do - xây dựng chủ nghĩa xã hội là đến kỷ nguyên đổi mới, và nay là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm luận giải, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Và trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội.
Trong thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội đã thể chế hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đối ngoại và cam kết quốc tế của Việt Nam; việc triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương.
Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Bên thềm thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, một chương mới trong lịch sử đất nước đã bắt đầu, trong phạm vi của loạt bài viết này, nhóm tác giả một lần nữa muốn nhấn mạnh thành tựu, khẳng định vị trí, tầm quan trọng và vai trò tiên phong của đối ngoại Quốc hội với điểm nhấn là ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trước yêu cầu đổi mới của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam - nhà ngoại giao kiệt xuất đã sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn dự Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII, tháng 10-1961 (Ảnh: Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam, 15-3-1955 (Ảnh: Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra tại Mátxcơva, tháng 10-1961 (Ảnh: Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam, ngày 4-5-1957 (Ảnh: Tư liệu)
Soi rọi lại chiều dài lịch sử của đất nước, có thể thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đối ngoại Quốc hội, góp phần rất quan trọng vào thành công chung của đối ngoại Việt Nam. Và “hạt nhân” trong đối ngoại Quốc hội chính là ngoại giao nghị viện. Giá trị của ngoại giao nghị viện chính là phát huy “sức mạnh mềm”, làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác, bạn bè quốc tế.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 21-10-2024
Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, Quốc hội đã khẳng định vai trò tích cực, tiên phong trong việc thể chế hóa, luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam trong hệ thống pháp luật của đất nước; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác quan trọng; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành Ngoại giao, phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới. Với những hoạt động đối ngoại phong phú được triển khai đa dạng về chủ thể, đối tác, không chỉ ở kênh Quốc hội, mà còn cả kênh Đảng, Chính phủ và nhân dân, có thể nói, ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước, đối tác song phương và đa phương trong bối cảnh mới; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.
Vậy ngoại giao nghị viện là gì? Sức mạnh nào khiến ngoại giao nghị viện là “hạt nhân” quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội? Và trong kỷ nguyên mới, đổi mới và hành động, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện nói riêng và đối ngoại Quốc hội nói chung sẽ cần phát huy vai trò ra sao để đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta (?!).
Ngoại giao nghị viện thể hiện ý nguyện của nhân dân
Theo GS.TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao; nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao - Bộ Ngoại giao; nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Ukraine; nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông, Liên bang Nga thì ngoại giao nghị viện xuất hiện từ lâu. Song trong một thời gian dài, ngoại giao nghị viện chưa có điều kiện phát triển mạnh và chỉ là “cái bóng” của ngoại giao Chính phủ, ngoại giao Nhà nước. Cùng với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc, chấm dứt đối đầu Đông - Tây, toàn cầu hóa, xu thế hòa bình và hợp tác phát triển trở thành xu thế lớn của quan hệ quốc tế…, ngoại giao nghị viện mới thực sự có bước phát triển đột phá. Vai trò của Quốc hội, nghị viện trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của quốc gia ngày càng trở nên quan trọng. Giao lưu, tiếp xúc giữa các cơ quan lập pháp trên khắp các châu lục và giữa các nghị sĩ tại các diễn đàn song phương cũng như đa phương ngày một tăng, trở thành một đặc trưng của ngoại giao thế kỷ XXI - ngoại giao kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Thực tế, khi nói về nét đặc trưng của ngoại giao nghị viện, cố Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão trong tác phẩm “60 năm nền ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam” đã từng viết: “Nền ngoại giao nghị viện vừa có tính chất Nhà nước, vừa có tính chất nhân dân. Bởi vì, nó vừa thể hiện ý nguyện của nhân dân, trực tiếp thông qua các nghị sĩ”. Hoạt động đối ngoại của nghị viện (Quốc hội) có tác dụng hỗ trợ hoạt động ngoại giao Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu, đường lối, chính sách đối ngoại của quốc gia. Bên cạnh đó, các nghị sĩ - với tư cách là những người được nhân dân trực tiếp bầu ra - đóng vai trò cầu nối giữa cử tri quốc gia mình với dư luận thế giới. Tại các diễn đàn đa phương, song phương, các nghị viện, nghị sĩ sẽ có những đóng góp hiệu quả vào việc hình thành, phát triển các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực, góp phần vào việc dân chủ hóa quan hệ quốc tế, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.
Quay ngược thời gian về quá khứ, cách đây đúng 67 năm (năm 1957), Quốc hội nước ta đã đặt vấn đề gia nhập Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU - ra đời năm 1889). 22 năm một chặng đường kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu hội nhập quốc tế, nước ta đã chính thức gia nhập vào tháng 4-1979 và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này. Phải khẳng định rằng, việc trở thành thành viên và tham dự các hoạt động của IPU thời điểm đó hay hiện tại là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam; quan sát, tham khảo quan điểm của các quốc gia trên thế giới về các vấn đề quốc tế, từ đó thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu; tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
GS.TS Vũ Dương Huân phân tích: “Đặc thù của ngoại giao nghị viện thể hiện ở chính bản chất của Nghị viện/Quốc hội. Là cơ quan đại diện cho nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề chung của đất nước, nghị viện đóng vai trò rất lớn, rất quan trọng trong xã hội dân chủ… Ngoại giao nghị viện vừa mang tính chính trị, tính đảng lại vừa thể hiện ý chí của người dân - gần gũi với dân, nói tiếng nói của dân. Do có tính nhân dân nên ngoại giao nghị viện mềm mỏng hơn, có thể đi vào những nơi, những vấn đề gai góc mà ngoại giao Nhà nước, ngoại giao chính thức khó phát huy hiệu quả. Vì vậy, ngoại giao nghị viện vừa có vai trò mở đường, vừa có vai trò thúc đẩy quan hệ”... Thực tế, xuyên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, các mối quan hệ quốc tế đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, khi công tác ngoại giao ngày càng bớt đi yếu tố bí mật và giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. “Ngoại giao nghị viện không thể thiếu được trong giao lưu quốc tế. Việc thăm viếng lẫn nhau, gặp gỡ trao đổi ý kiến giữa các đại diện cơ quan lập pháp, giữa các nghị sĩ các nước trên thế giới trở nên sôi động với hình thức rất đa dạng” - GS.TS Vũ Dương Huân đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17 đến 19-10-2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tiếp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane
Trên cơ sở chủ đề chung của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 45 (AIPA-45), Việt Nam đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Ủy ban Kinh tế. Đoàn Việt Nam xem xét đồng bảo trợ 6 Nghị quyết; trong đó có 5 Nghị quyết do Lào đề xuất, 1 Nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN dự phiên họp Ban Chấp hành AIPA-45, ngày 19-10-2024
Vai trò của ngoại giao nghị viện trong chính sách đối ngoại quốc gia
Nghiên cứu về quan hệ quốc tế, nhận định về vai trò của đối ngoại Quốc hội, bà Lê Phương Thảo - Văn phòng Quốc hội nhận định: Thứ nhất, với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ, thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thứ hai, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, có quyền quyết định các vấn đề đối ngoại quan trọng, như phê chuẩn hiệp ước quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, quyết định việc gửi và tiếp nhận đại diện ngoại giao. Thứ ba, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Vì vậy, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Thứ tư, thông qua các hoạt động đối ngoại, Quốc hội góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, đặc biệt là các nước láng giềng và các đối tác chiến lược; đồng thời, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một đất nước hòa bình, ổn định, thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, đối ngoại Quốc hội góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Như vậy, đối ngoại Quốc hội đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện và hiện thực hóa các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Quốc hội Việt Nam không chỉ giữ vai trò là cơ quan lập pháp cao nhất mà còn là một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy và củng cố quan hệ đối ngoại.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary
Ý thức được sức mạnh và sứ mệnh ngày càng tăng của ngoại giao nghị viện trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại của quốc gia, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực, Việt Nam nói riêng và ở hầu hết các quốc gia, vai trò của ngoại giao nghị viện được thể hiện trên các bình diện: Xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến công tác đối ngoại; Giám sát thực hiện chính sách đối ngoại và ngoại giao; Nghị viện trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại. Theo TS. Ngô Đức Mạnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thì ngoại giao nghị viện là kênh đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới toàn diện và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh các hoạt động ngoại giao song phương, hoạt động ngoại giao đa phương của các nghị viện thông qua việc tham dự các diễn đàn, tổ chức liên nghị viện, các nghị viện để chia sẻ kinh nghiệm công tác lập pháp, cập nhật thông tin, đóng góp vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, gia tăng việc trao đổi, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Với tư cách đại diện cho cộng đồng cử tri của các nghị sĩ, khi nghị sĩ nước này lên tiếng, truyền thông điệp tới nghị sĩ các nước khác, lúc đó cũng chính là nhân dân các nước lên tiếng giao lưu với nhau. Đặc thù này là thế mạnh với dư địa hoạt động rộng mở, linh hoạt và có thể nói “ít vùng cấm” mà các hình thức ngoại giao khác không “đóng thế”. Ngoại giao nghị viện có những lợi thế nhất định, qua đó mở rộng các kênh đối thoại, có ý nghĩa “mở đường”, “khai thông” và thúc đẩy xử lý các vấn đề đối ngoại khó, phức tạp.
Đặc biệt, hoạt động đối ngoại của Quốc hội góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước trên tất cả các mặt: tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, du lịch, an ninh, quốc phòng… Trong chương trình hội đàm của lãnh đạo Quốc hội ta với lãnh đạo Quốc hội các nước, bên cạnh hợp tác nghị viện luôn có nội dung trao đổi về hợp tác song phương trong các lĩnh vực cụ thể. Các nghị viện, nghị sĩ nhiều nước đóng vai trò tích cực trong việc phê chuẩn và thúc đẩy thực hiện các chính sách của Chính phủ, thông qua nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, tạo thuận lợi tăng hạn ngạch trao đổi một số mặt hàng thiết yếu đối với sự phát triển của ta như dệt may, thủy sản, nông sản... Cùng với các hoạt động song phương, công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung và nâng cao vị thế của đất nước. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng đã góp phần đấu tranh với thái độ thù địch, hoặc nhận thức sai lệch của một số thế lực về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... Quốc hội ta đã kiên trì chủ trương vừa tích cực vận động hợp tác, vừa kiên quyết đấu tranh có hiệu quả nhằm bác bỏ và ngăn cản những dự luật và nghị quyết sai trái liên quan đến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam… Có thể nói, dõi theo tiến trình lịch sử của đất nước, Quốc hội Việt Nam đã và đang triển khai rất thành công ngoại giao nghị viện.
Sức mạnh mới, sứ mệnh mới trong kỷ nguyên mới
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại phiên khai mạc đã khẳng định: “Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân trên thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, của Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế”.
Quả thật, muốn thắng lợi trên mặt trận ngoại giao phải có thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Cho đến ngày hôm nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” vẫn được Đảng ta vận dụng, cụ thể hóa và phát triển qua các kỳ đại hội. Trên cơ sở đánh giá chính xác thế và lực của đất nước, đặt trong thời kỳ thế giới thay đổi mang tính thời đại, người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhìn thấy thời cơ, thuận lợi để phát đi lời hiệu triệu bằng những thông điệp mạnh mẽ về việc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Hòa chung vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với cả hệ thống chính trị, trọng trách rất lớn đặt lên vai Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, ngoài đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội…, thì nội hàm “nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị và nhấn mạnh đối với Quốc hội, trong đó, người đứng đầu Đảng ta yêu cầu tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của Quốc hội.
Một trong những “mệnh lệnh” mới đối với hoạt động đối ngoại của Quốc hội là mang theo sứ mệnh mới trong tổng thể chính sách đối ngoại quốc gia.
“Thế và lực đất nước” tạo nên sức mạnh mới! “Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mang theo sứ mệnh mới!
Tư duy và hành động. Giờ là lúc Quốc hội tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nâng cao chất lượng tham mưu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại, cũng như phát huy lợi thế đối ngoại trên kênh nghị viện nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát huy vai trò của Quốc hội tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế; từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước. Nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương, song phương, xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ song phương, nâng tầm ngoại giao đa phương khu vực và thế giới, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam. Đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là truyền tải xung lực mới qua thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Đại sứ Bùi Thế Giang - Nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc; năm 2008 - 2009 là Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại nhân dân; nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương)
Phát huy vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách ngoại giao của đất nước
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai toàn diện, thể hiện hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động, đóng góp hiệu quả vào đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác đối ngoại của Quốc hội cũng phát huy lợi thế với đặc thù vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân, khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao của đất nước. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Bùi Thế Giang - nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc; nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại nhân dân; nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương) xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Ngay lúc này, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng, đất nước hơn tất thảy tiếp tục cần phải - buộc phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tổng Bí thư Tô Lâm thường xuyên truyền tải thông điệp về khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đại sứ nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Đại sứ Bùi Thế Giang chủ trì họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 14-10-2009 về tình hình Trung Đông
- Đại sứ Bùi Thế Giang: Tôi cho rằng, mỗi lãnh đạo Đảng khi đảm nhiệm chức vụ đều để lại những dấu ấn đặc biệt. Nếu như Tổng Bí thư Lê Duẩn với “làm chủ tập thể”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đưa ra hình tượng, trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam”, thì nay, Tổng Bí thư Tô Lâm với lời hiệu triệu “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Những bài viết, phải biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo được dấu ấn rất sâu sắc, tích cực, thu hút sự quan tâm, theo dõi, nghiên cứu không chỉ của đông đảo nhân dân Việt Nam mà còn nhiều bạn đọc quốc tế. Những học giả, nhà nghiên cứu không chỉ tìm hiểu thông điệp của Tổng Bí thư qua ngôn ngữ Việt Nam mà còn dịch ra ngôn ngữ của nhiều quốc gia trên thế giới. Mới đây, một số giảng viên tại trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có tham vấn tôi là nên dịch cụm từ “vươn mình” như thế nào nhằm vừa đảm bảo tính sát nghĩa, vừa toát lên đầy đủ thông điệp của lãnh đạo Đảng muốn truyền tải. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang dùng từ “Rise”, tôi đánh giá đây là một động từ hay. Nhưng bằng kinh nghiệm thì tôi cho rằng cần dịch theo một cách khiêm tốn, khiêm nhường hơn, nhưng vẫn thể hiện rõ ý chí, khát vọng của đất nước, đủ sức truyền tải thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư - đó là từ “Emergence”.
Ưu tiên hàng đầu của kỷ nguyên mới là 2 mục tiêu kinh tế, nói rộng ra là kinh tế - xã hội chứ không chỉ riêng về mục tiêu kinh tế đến năm 2030 và 2045. Đây không phải cách nhìn duy ý chí. Đặc biệt, khi Tổng Bí thư nêu ra một số giải pháp mang tính chiến lược thì 2 giải pháp trong số đó lại nằm trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XII của chúng ta đã nêu ra - đó chính là thể chế và con người (nhân lực). Các giải pháp còn lại là cách nhìn khác về đột phá thứ ba của Đại hội XII đã nêu - đó là hạ tầng, lực lượng sản xuất mới và khoa học công nghệ (đồng chí Tổng Bí thư dùng vấn đề mới, xu hướng mới: cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…). Khi nói về khoa học công nghệ thì tôi lại nhớ là thời còn học trung học phổ thông đã được học về nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt”. Bây giờ là thời của cuộc cách mạng khoa học 4.0, cả thế giới phải trải qua, cả thế giới phải vào guồng, cả thế giới phải đổi mới sáng tạo, cả thế giới phải dùng khoa học công nghệ làm phương tiện bứt phá hơn nữa so với bản thân mình và bứt phá lên trên so với người khác. Từng ấy thứ khiến tôi thấy đồng chí Tổng Bí thư rất đúng, rất logic và khoa học.
Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc
Đại sứ Bùi Thế Giang chủ trì họp Hội đồng Bảo an ngày 25-7-2008 về Phái bộ Liên hợp quốc tại Kosovo (UNMIK)
- Tại các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc đến thông điệp: “Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Theo Đại sứ, ý nghĩa sâu xa của tinh thần này là gì?
- Nếu như chúng ta xem, nghiên cứu những phát biểu, trao đổi gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV ngày 31-10-2024 sẽ thấy rõ mục tiêu hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây cũng là những mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII đã đặt ra.
Tất cả những yêu cầu, đề nghị mà Tổng Bí thư đề cập đến nhiều lần để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực ra đó là sự tổng hợp những mong muốn, ước nguyện và cả những chính sách chiến lược của chúng ta trong nhiệm kỳ này. Những thông điệp đó còn nhắc nhở chúng ta phải làm sao thực hiện được đúng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Tôi đánh giá đây là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi.
Về công tác ngoại giao, Việt Nam đang có quan hệ với 193 nước là thành viên của Liên hợp quốc và các tổ chức liên minh Chính phủ lớn nhất thế giới. Về mặt kinh tế, Việt Nam đang được xếp vào nhóm 40 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 quốc gia thương mại hiệu quả nhất thế giới. Nhìn lại thời điểm chúng ta bắt đầu đổi mới (tính từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986 - PV) đến năm 2023 là 37 năm, nhưng quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng 96 lần. Đây là một trong những điều kiện, cơ sở để ta tin rằng đất nước có thể tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ. Tôi rất ấn tượng góc nhìn của Tổng Bí thư, đó là không chỉ nhìn vào thế mạnh, điểm tích cực mà đồng chí còn chỉ ra 5 điểm yếu của kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, là năng suất lao động. Giai đoạn 2021 - 2025, ước tính năng suất lao động của ta chỉ tăng được 4,8%, trong khi mục tiêu của chúng ta đặt ra là tăng 6,5%. Như vậy, chúng ta chưa thể hoàn thành mục tiêu. Khách quan để nói thì năng suất lao động của chúng ta đang thua nhiều nước trên thế giới. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng chỉ đứng trong khoảng top 6.
Thứ hai, là hiệu quả nền kinh tế được thể hiện bằng việc tăng trưởng kinh tế, hiệu suất kinh tế tổng hợp có chiều hướng giảm trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, là nền kinh tế của chúng ta dựa vào xuất khẩu. Trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Á, một thời gian dài người ta nói về những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, vươn mình thành những con rồng châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Nước ta cũng đã có một thời gian dài lựa chọn xu hướng phát triển dựa vào xuất khẩu, tuy nhiên chúng ta cũng phải làm rõ, dựa vào xuất khẩu là dựa vào cái gì (?!). Nếu như tự lực sản xuất ra hàng hóa để xuất khẩu thì là câu chuyện khác. Nhưng nền kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI. Chúng ta tự hào khi nói rằng nền kinh tế của mình mang tính quốc tế cao. Tôi lấy ví dụ, năm ngoái tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu gấp hơn 1,5 lần GDP. Điều này nói lên tính hội nhập, gắn kết với quốc tế, nhưng đồng thời cũng phản ánh mặt trái là chúng ta đang chịu rủi ro rất lớn đối với bất kỳ diễn biến tiêu cực nào thế giới phải đối mặt. Do đó, một mặt chúng ta tự hào có ODA, FDI…, nhưng cũng cần chuẩn bị, nâng cao sức đề kháng cho nền kinh tế. Đây cũng là ý nghĩa của hai chữ “tự lực” mà Tổng Bí thư nhắc đến, yêu cầu chúng ta cần phải sửa đổi ngay, song song với việc mở cửa phải phát triển nội lực để có thể “tự lực”, “tự cường”.
Thứ tư, là vấn đề con người. Tôi cho rằng đây không chỉ là điểm yếu kinh tế mà còn là điểm yếu của nhiều lĩnh vực. Đó là “không dám nghĩ”, “không dám làm”, “không dám chịu trách nhiệm”, là khiếm khuyết rất lớn. Tôi tin rằng, mặc dù điểm yếu này được xếp thứ tư, nhưng yếu tố con người là quan trọng nhất, là yếu tố then chốt dẫn đến mọi thành công.
Thứ năm, và cũng là điểm yếu cuối cùng mà Tổng Bí thư nhắc đến nằm ở chính bộ máy, thể chế của chúng ta. Trong các bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra một số giải pháp chiến lược. Đầu tiên là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng - đó là yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, phải thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp đến là tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tiếp theo là tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thể thiện rất chi tiết trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Rồi đến chuyển đổi số, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó là công tác chống lãng phí, đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra còn cả cán bộ và công tác cán bộ, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết. Cuối cùng là về kinh tế, tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất…
Thế, lực và thời điểm “hội tụ”
- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây là thời điểm “hội tụ”, tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp theo sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đại sứ đánh giá thế nào về tính thời điểm của kỷ nguyên này?
Đại sứ Bùi Thế Giang trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
- Chúng ta đi đến ngày hôm nay, tồn tại được đến ngày hôm nay, cạnh tranh được với các quốc gia khác để từng bước vươn lên và dám hy vọng vào tương lai là bởi chúng ta có niềm tin vào chính con người, đất nước của chúng ta. Tổng Bí thư nói đến bối cảnh thế giới, bối cảnh khu vực, bối cảnh phát triển của đất nước và người đứng đầu Đảng ta cũng đã nhìn rất rõ chuyện này. Không phải ngẫu nhiên khi đặt ra khái niệm “vươn mình”, Tổng Bí thư đã nói kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Vậy kỷ nguyên đó kéo dài đến bao giờ? Chúng ta không thể xác định 10 năm, 20 năm “vươn mình” xong dừng lại! Vì vậy, chúng ta phải soi vào chính mình, nhìn ra xung quanh để thấy được mình cần phải làm gì tiếp theo.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói và rất nhiều các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương đều nhắc lại, thể hiện sự đồng thuận cao - đó là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhưng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ nói rằng chúng ta ở đâu so với thế giới. Bởi nói đến cùng thì 193 quốc gia của Liên hợp quốc hiện nay đều phát triển hơn so với chính bản thân họ trước đây. Quốc gia nào dừng chân tại chỗ đã là tụt hậu rồi, nhất là các nước phát triển. Tôi lấy ví dụ, GDP của nước Mỹ gần 30.000 tỷ USD. GDP của chúng ta năm ngoái cao nhất trong lịch sử Việt Nam là khoảng 430 tỷ USD. Nếu như chúng ta có đi 10 bước thì vẫn chậm hơn họ rất nhiều, nên việc chúng ta đặt mình ở vị trí nào trên thế giới là rất quan trọng để biết rằng là mình cần phải tiếp tục phấn đấu như thế nào.
Như đã nói, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra 2 ưu tiên hàng đầu rất thực tế. Chúng ta chưa trở thành quốc gia phát triển, chúng ta chưa có thu nhập cao thì chưa nói đến chuyện ta vươn lên so với ai cả. Yếu tố “hội tụ” chính là thể hiện điều này. Khi chúng ta có được thực lực của bản thân, lại có được sự hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè, đối tác trên thế giới, thì thế và lực của chúng ta tăng lên rất nhiều. Tôi đánh giá rất cao những hoạt động của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến công tác đối ngoại đa phương, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. Trong đó, hoạt động đầu tiên chính là gặp gỡ trí thức Việt kiều. Tại sao lại là với Việt kiều? Đó là điều rất quan trọng, không chỉ đối với bà con Việt kiều, không chỉ với trí thức kiều bào, không chỉ cho chính quyền, người dân, xã hội nước Mỹ thấy, mà còn cho cả thế giới thấy cách nhìn, tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam với trí thức Việt kiều - điều đó quan trọng vô cùng! Và tôi cho rằng nó chính là một phần của thời điểm “hội tụ”!
Nhìn vào công tác đối ngoại sẽ thấy, ngày 3-8-2024, đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; ngày 8-8-2024, đồng chí đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin. Tôi xin nói, cuộc điện đàm ấy không phải tự nhiên, không phải điện đàm là xong, là thế giới không ai biết cả. Tôi cam đoan rằng, cả thế giới đang chăm chú nhìn, vì cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra 3 năm nay. Tổng thống Nga V. Putin đang bị cô lập trên thế giới, nước Nga bị cô lập trên thế giới. Chưa kể đến việc Tổng thống V.Putin đang bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt, thế mà Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm chỉ 5 ngày sau khi nhậm chức và Tổng thống Putin cũng là lãnh đạo đầu tiên trên thế giới điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây một điều vô cùng đặc biệt. Hãy nhớ rằng, chỉ trước đó 2 tháng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V.Putin thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Khi Tổng thống Putin rời Việt Nam được mấy tiếng đồng hồ thì Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã đến Việt Nam và khẳng định sự tôn trọng với các chính sách đối ngoại của Việt Nam, bất kể quan điểm của Mỹ với nước khác; Mỹ tiếp tục là đối tác quan trọng của Việt Nam; Mỹ vẫn nhất quán chủ trương tôn trọng lợi ích của Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam; Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và hùng mạnh. Tôi cho rằng đó là việc rất lý thú trong chính trị quốc tế, thể hiện sự tôn trọng rất lớn đối với Việt Nam.
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm có nhiều nội dung quan trọng và hai bên mời thăm nhau trong tương lai. Điều ấy cực kỳ lý thú, phản ánh tư duy của Tổng Bí thư, tư duy của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và tư duy của cả hệ thống chính trị chúng ta. Tôi nhìn thấy sự tự tin, tự hào và cơ sở của chúng ta vươn lên, mang cả ý nghĩa của sự “hội tụ” trong đó nữa.
Từ tháng 9-2023 đến tháng 6-2024, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đón lãnh đạo của 3 cường quốc lớn nhất thế giới - đó là Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Nga V.Putin. Nga là 1 trong 5 nước thành viên của BRICS (trước khi mở rộng) đã không đến dự Hội nghị Thượng đỉnh của BRICS tại Nam Phi, vậy mà Tổng thống Nga V.Putin sang Việt Nam. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2023 chỉ đi ra khỏi Trung Quốc 4 lần, trong đó có 2 lần hoạt động đa phương, 2 lần song phương. Và 2 lần hoạt động song phương thì một là đến Nga, hai là thăm Việt Nam. Trung Quốc có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, ngang với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, thậm chí nếu xét riêng về sức mua tương đương của nền kinh tế thì Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2010. Vì vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam và sự tôn trọng của Trung Quốc đối với chúng ta. Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến công du của ông chỉ thăm Việt Nam mà không có thêm bất kỳ quốc gia nào. Chuyến thăm đó đã nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với sự sửng sốt của biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy sức “hội tụ” của Việt Nam như thế nào, vị thế của Việt Nam ra sao trên trường quốc tế.
“Tôi nhớ là để chuẩn bị vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lần thứ hai, có rất nhiều cơ quan báo chí hỏi tôi là: Chúng ta được lợi gì khi vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc? Tôi đã trả lời rằng, chúng ta đừng nhìn lợi ích bằng cân, bằng lạng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan duy nhất trong 6 cơ quan của Liên hợp quốc có quyền trừng phạt quốc gia thành viên. Hãy nhìn ở góc độ đó. Từ quyền này sẽ dẫn đến quyền khác trong những công việc khác, thứ mà chúng ta gọi là quyền lực mềm… Chúng ta đã trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2 nhiệm kỳ, và trong nhiệm kỳ 2008-2009, Hội đồng Bảo an thông qua 1 Nghị quyết do Việt Nam dự thảo và chủ trì thương lượng (Nghị quyết 1889: Về phụ nữ, hòa bình và an ninh). Những việc như vậy là cực kỳ quan trọng để tạo thế cho quốc gia, từ vị thế chính trị có thể dẫn sang vị thế về kinh tế - xã hội, vị thế của đa phương”.
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Đại sứ Bùi Thế Giang
Khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
- Đại sứ đánh giá như thế nào về hoạt động ngoại giao của Việt Nam với thế giới?
- Vài tháng trước khi từ trần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Năm 2023 là điểm sáng của đối ngoại Việt Nam”, điều đó không phải tự nhiên. Năm 2023, tôi nhớ Việt Nam có 45 chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo cấp cao. Chúng ta có 21 lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, rất nhiều quốc gia tới thăm Việt Nam, chúng ta cũng đi thăm các các nước đó. Mới chỉ cách đây 38 năm, Việt Nam còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trong Báo cáo chính trị tại Đạo hội VI có nói rằng, chúng ta khủng hoảng kinh tế, chúng ta khủng hoảng xã hội và chúng ta khủng hoảng toàn diện. Tôi nhớ con số nói về tỉ lệ nghèo của Việt Nam là 73%. Do đó, từ chuyện khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội đến khủng hoảng toàn diện (bao gồm cả khủng hoảng niềm tin) là như vậy. Nhưng đó mới là tình hình trong nước, còn trên quốc tế thì chúng ta bị bao vây, cấm vận, thế giới quay lưng, chúng ta bị cô lập về mặt đối ngoại. Vậy mà chỉ 38 năm sau, 193 quốc gia trong Liên hợp quốc có quan hệ ngoại giao với chúng ta. Việt Nam đã có 2 nhiệm kỳ được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021). Ngay cả những nước láng giềng của chúng ta trong ASEAN, có những nước đã vào Liên hợp quốc trước chúng ta mà còn chưa được bầu vào Hội đồng Bảo an - điều đó khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Có 3 cụm từ để nói về chúng ta trong thế giới, đó là: “Bạn” - “Đối tác tin cậy” - “Thành viên có trách nhiệm”. Tôi cho rằng 3 cụm từ ấy chính là bước phát triển rất lớn về nhận thức, về tư duy, về lực và về chính sách đối ngoại. Chúng ta đã phải đi một chặng đường rất dài, từ chỗ “muốn là bạn” đến “sẵn sàng làm bạn” với các nước trên thế giới. Bước đi này kéo dài khoảng 10 năm, rồi từ “sẵn sàng là bạn” đến “hội nhập kinh tế quốc tế”. Đầu tiên là chủ động hội nhập, tức là hội nhập đến mức độ nào, hội nhập với ai, hội nhập như thế nào, sau đó mới là tích cực và chủ động. Và cả Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, tất cả những điều đó thể hiện cách nhìn, sự chín muồi, sự trưởng thành của chúng ta về nhận thức, về chính sách đối ngoại và nhận thức đó phản ánh cái “lực” của chúng ta. Chúng ta đã đi từng bước, từ một nước đói nghèo đến hiện tại là một quốc gia tham gia vào Lực lượng giữ gìn Liên hợp quốc…, tất cả những bước đó đều có sự cân nhắc tính toán. Chúng ta chủ động mọi thứ phù hợp với điều kiện và khả năng của mình, tất cả những điều ấy phục vụ cho mục tiêu cao nhất mà 4 kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII nêu một cách đầy đủ, chính xác và rất quan trọng là: “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi”. Trong công tác ngoại giao, một điểm khác của Việt Nam so với các nước trên thế giới là chúng ta đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên cao nhất, nhưng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
- Đối ngoại Quốc hội mà “hạt nhân” là ngoại giao nghị viện là cầu nối để Quốc hội tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại sứ nhận định thế nào về tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện để tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp quốc gia?
- Hoạt động đối ngoại của Quốc hội có một khoảng thời gian khá trầm lắng. Điều này không chỉ có ở Việt Nam mà ở cả môi trường quốc tế cũng vậy, hoạt động đối ngoại của các nghị viện cũng tương đối im ắng. Tuy nhiên, từ năm 2023, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã tiến triển hơn rất nhiều. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khẳng định, đối ngoại của Quốc hội được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội cũng đã được bầu ở nhiều vị trí quan trọng tại các diễn đàn lớn, uy tín trên thế giới. Tổng Bí thư nhấn mạnh, để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong số 3 vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội cần tập trung thì vấn đề thứ 3 là đề nghị Quốc hội tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là những chỉ đạo hoàn toàn chính xác của Tổng Bí thư Tô Lâm, thể hiện tầm nhìn và sự hiểu biết trong lĩnh vực đối ngoại của Quốc hội; thể hiện vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị quốc gia ở hoạt động đối ngoại; thể hiện hiểu biết về vị trí của Quốc hội tại các quốc gia khác và mối quan hệ của các Quốc hội với nhau. Tổng Bí thư đã đề ra đường lối phải thể chế hóa, xây dựng thành pháp luật và đại biểu Quốc hội phải nắm được điều đó, quán triệt, thực hiện bằng được.
- Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có thời gian rất dài thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do Nhà nước giao phó, góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam lên trường quốc tế, Đại sứ có thể đưa ra những giải pháp để quan hệ ngoại giao của Quốc hội hiệu lực, hiệu quả hơn như đề nghị của đồng chí Tổng Bí thư?
- Trước hết, chúng ta phải quán triệt được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đó là những nhà lập pháp phải thực hiện tròn vai của mình, ban hành chính sách pháp luật, từ xây dựng pháp luật đến ban hành chính sách. Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp quốc gia để đáp ứng được yêu cầu, mục đích phát triển của quốc gia. Luật pháp đó phải dựa vào nền tảng đường lối của Đảng. Sau khi đã hoàn thiện thể chế pháp luật thì phải giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và điều chỉnh pháp luật. Chúng ta biết rằng luật luôn đi sau thực tế xã hội. Vì thế, chúng ta phải nhận biết và chỉnh sửa luật, bổ sung luật một cách kịp thời. Một trong những biện pháp để bổ sung luật một cách kịp thời là nhìn vào kinh nghiệm của quốc gia đi trước. Bởi nói cho cùng, mọi đường đi của các quốc gia trên thế giới dù có những tư tưởng, nền tảng khác nhau, nhưng mục tiêu cao nhất là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo đường đi của các nước để tránh không vấp phải những sai lầm trong thực tế. Nhiều khi rút kinh nghiệm từ những sai lầm lại có lợi hơn là học những bài học thắng lợi.
Ngoài ra, hợp tác giữa những Quốc hội với nhau giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Ví dụ, khi chúng ta hợp tác được với Quốc hội những nước phát triển thì có thể kết nối được với những người đã hoạch định pháp luật của quốc gia đó. Hợp tác với Quốc hội ở các quốc gia khác có thể là hợp tác đa phương và hợp tác song phương. Khi nhìn ra được điểm tương đồng để hợp tác với nhau nghĩa là chúng ta sẽ có thêm rất nhiều bạn, có thêm rất nhiều người cùng chia sẻ, hỗ trợ, rất tốt trong việc vận hành và đi lên, để phát huy vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách ngoại giao của đất nước.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trao đổi này!
(Còn nữa)
Trần Quân - Phương Thảo - Tuấn Dũng - Mạnh Thắng - Đức Văn