Sức sống của nền âm nhạc Việt Nam

Sức sống của nền âm nhạc Việt Nam
8 giờ trướcBài gốc
Hành trình tìm kiếm cái đẹp và tình yêu Tổ quốc
Tiến sĩ Lê Y Linh, con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: "Đây là một bộ sưu tập được hình thành trong chiều dài hơn nửa thế kỷ".
Năm 1960, sau 6 năm học đại học chính quy về sáng tác và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, nhạc sĩ Hoàng Vân trở về Hà Nội cùng với những nhạc sĩ đầu tiên khác được đào tạo ở nước ngoài cùng các tác phẩm giao hưởng của họ.
Ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1960 tại Đài Phát thanh Việt Nam (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) với tư cách là một trong những nhạc trưởng và giám đốc nghệ thuật đầu tiên của Dàn nhạc Đài Phát thanh. Năm 1970, ông chuyển công tác sang Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến những năm 1990.
Nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được sáng tác trong thập kỷ này, một thập kỷ quan trọng của nền âm nhạc chuyên nghiệp đương đại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai. Những bản thảo, tư liệu và tổng phổ của ông sáng tác trong giai đoạn này sau khi được thu thanh đã lưu vào thư viện của Đài. Những tài liệu ấy không những phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt và tình hình chiến tranh, mà còn bị cháy rụi vì một vụ hỏa hoạn đã bùng phát trong kho lưu trữ tổng phổ của Đài vào khoảng năm 1969-1970.
Tháng 12/1994, để chuẩn bị buổi hòa nhạc Hoàng Vân tại Paris, nhạc sĩ đã phải chép tay lại một số bản nhạc để các nghệ sĩ sử dụng. Tháng 8/2000, nhạc sĩ Hoàng Lương đã phải nghe bản thu của tác phẩm này vào năm 1976 và ghi âm lại "Hồi tưởng" (Reminiscence), tác phẩm đồ sộ của Hoàng Vân dành cho dàn nhạc và hợp xướng kép, bởi tổng phổ và phân phổ có thể đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn và/hoặc biến mất, đây chính là bản tổng phổ được dùng từ đó đến nay. "Nhân dịp này, gia đình đã được cảnh báo về việc mất tài liệu. Nhận thức được những trở ngại đối với việc bảo tồn các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn quan trọng này của âm nhạc Việt Nam, gia đình đã quyết định một kế hoạch hành động Bộ sưu tập được bắt đầu vào những năm 2000 với khoảng 100 bản ghi từ VOV".
Trong bản tóm tắt trích từ Hồ sơ đề cử Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân viết: "Hoàng Vân (tên khai sinh Lê Văn Ngọ, 1930-2018) là một nhà soạn nhạc ở thời điểm chuyển giao quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Các tác phẩm của Hoàng Vân và các nhạc sĩ đương thời được sáng tác vào nửa sau thế kỷ 20 theo phong cách của âm nhạc cổ điển châu Âu đã minh họa cho sự cộng sinh của truyền thống âm nhạc châu Âu và châu Á cũng như sự truyền tải và trao đổi kiến thức giữa Đông và Tây. Các tác phẩm của Hoàng Vân thể hiện mối quan hệ đặc biệt với lịch sử văn hóa và xã hội của Việt Nam, minh chứng cho sự phát triển sâu sắc của xã hội Việt Nam lúc đó, đặc biệt là vai trò của phụ nữ và các tầng lớp yếu thế trong xã hội".
Bộ sưu tập bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc được sáng tác từ năm 1951 đến năm 2010, nổi bật với sự đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và thể loại âm nhạc, cũng như dồi dào về nội dung. Bộ sưu tập cung cấp cho các học giả quốc tế một nguồn tư liệu tham khảo quan trọng để nghiên cứu xã hội, văn hóa và âm nhạc ở Việt Nam trong bối cảnh hậu thực dân và bối cảnh của Chiến tranh Lạnh, còn ít được biết đến ở phương Tây cho đến những thập kỷ gần đây.
Các tác phẩm của ông được lưu giữ dưới nhiều chất liệu khác nhau gồm bản thảo, tổng phổ, phân phổ, phim, ảnh, file âm thanh, bản in, băng, đĩa, tệp tin số… Sưu tập là nguồn tài liệu tham khảo cho nghiên cứu văn hóa, xã hội trong bối cảnh hậu thuộc địa và góp phần quan trọng để nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam và thế giới. Hiện nay bộ Sưu tập đã được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, và trang web đa ngữ (https://hoangvan.org) cho phép công chúng và học giả có thể tiếp cận một các dễ dàng.
Từ khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào năm 2018, hai con của nhạc sĩ là Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Lê Y Linh đã chung sức sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, khôi phục tư liệu tạo nên bộ sưu tập cá nhân của nhạc sĩ và đã đề cử với Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Theo Tiến sĩ Lê Y Linh, nhạc sĩ Hoàng Vân thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế.
Trong số hơn 700 tác phẩm, đông đảo quần chúng biết đến Nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Nửa thế kỷ sáng tác của ông có thể chia làm 3 giai đoạn lớn: cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình (1974-1990), và những năm cuối đời (1990-2010). Các ca khúc của ông mang hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu.
Nhưng theo Tiến sĩ Lê Y Linh, trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, các tác phẩm hàn lâm của nhạc sĩ Hoàng Vân chiếm một vị trí quan trọng nhưng ít được quảng đại quần chúng tiếp cận hơn. Ông là tác giả của một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1960, "Thành đồng Tổ quốc". Giới chuyên môn đánh giá cao các tác phẩm như đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Hồi tưởng" (1961-1962), vở ballet "Chị Sứ" (1968, giải thưởng Hồ Chí Minh), tổ khúc bốn chương cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Điện Biên Phủ" (2004).
Theo GS.TS Nguyễn Thụy Loan, nhạc sĩ Hoàng Vân là người sáng tạo ra một thể loại mới, thanh khí nhạc với nhiều tác phẩm đã là "mẫu mực trong nền âm nhạc Việt Nam" (lời nhạc sĩ Nguyễn Cường). Sưu tập cũng đã thống kê một số tác phẩm hiện chưa tìm được bản thu, cũng như nêu bật được phong cách Hoàng Vân trong việc thống kê đầy đủ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. "Tôn chỉ của nhạc sĩ trong cả sự nghiệp của mình là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc", TS Lê Y Linh khẳng định.
Khẳng định vị thế của âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản nhân loại
TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch MOWCAP, chuyên gia Ủy ban tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới, khẳng định: "Việc ghi danh Sưu tập Nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ là hồi chuông thức tỉnh về việc lưu giữ các tư liệu âm nhạc không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới. Nó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo tồn các tư liệu góp phần làm giàu ký ức của quốc gia và thế giới từ các cá nhân, gia đình... cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ... Đây chính là một trong những mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO".
Ca khúc “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân trong bộ sưu tập được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh: "Việc Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu."
Giáo sư danh dự, TS Fran#ois Picard, Sorbonne Université (Paris, Pháp) khẳng định: "Song song với mối quan tâm của các nhạc sĩ hôm nay và tương lai, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng quốc tế của bộ sưu tập tác phẩm của Hoàng Vân. Bởi vì đây là kho lưu trữ của tương lai, và vì chúng làm nổi bật tầm quan trọng của sáng tác âm nhạc trong việc xây dựng một nền văn hóa hiện đại trong bối cảnh hậu thuộc địa".
Bà Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa - Bộ Ngoại giao cho biết, bộ sưu tập là Di sản Tư liệu thế giới thứ 4 trên tổng số 570 di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO ghi danh đến nay. Trước đó Việt Nam có Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2011) và Châu bản triều Nguyễn (2017) được vinh danh.
Cùng với 7 Di sản Tư liệu cấp Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện Việt Nam đã đạt tới 11 Di sản Tư liệu được UNESCO vinh danh. Đây cũng là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Việt Linh
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/suc-song-cua-nen-am-nhac-viet-nam-i766495/