Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" chiều ngày 29/10 (Ảnh: VGP/Dương Tuấn)
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào thời điểm này đã có đầy đủ cơ sở để triển khai.
Thứ nhất, với mong muốn của người dân cũng như sự quyết tâm của hệ thống chính trị đã thể hiện Việt Nam mong muốn có tuyến đường sắt tốc độ cao tiêu chuẩn quốc tế. Nước ta đã có tuyến đường sắt cũ, nhưng tuyến đường sắt này đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn và khả năng kết nối tốt hơn so với tuyến đường sắt chúng ta đang sử dụng.
Thứ hai, về cơ sở chính trị đã có các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị từ việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ nay đến năm 2035. Về cơ sở thực tiễn, trong bảng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã đặt vấn đề hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là sự cần thiết để có bước đột phá về hạ tầng, tạo tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
Qua phân tích sơ bộ, hiện nay dự án đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi. Theo Thứ trưởng Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có dữ liệu sơ bộ để đánh giá hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó có thể chia dự án làm 2 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là đang trong quá trình xây dựng; giai đoạn thứ hai là đưa vào vận hành. Cả 2 giai đoạn đều tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, chi tiêu cho đầu tư cũng là một động lực tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công.
“Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc này làm tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”, Thứ trưởng Phương đánh giá.
Phân tích sâu hơn, công trình này có tác động trực tiếp đến khoảng 7 - 8 lĩnh vực.
Thứ nhất, dự án tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP, bởi vì đây là công trình xây lắp.
Thứ hai là tác động đến các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này, như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.
Thứ ba, tác động đến các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn…
Thứ tư là tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. Tuyến đường này mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam. Trong định hướng phát triển tuyến đường sắt này, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Trong tương lai, Việt Nam xác định phát triển đô thị là một động lực thì đây cũng là một động lực tốt để phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ năm là tác động đến các ngành khai thác sau này khi dự án đi vào vận hành, đặc biệt là dịch vụ du lịch.
Thứ sáu là tạo công ăn việc làm. Công trình quy mô cực lớn, do vậy để huy động lực lượng tham gia vào xây dựng công trình này sẽ tạo ra công ăn việc làm tương đối lớn.
Ngoài ra, dự án sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải để hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ cho giao thông vận tải với một đường sắt mới.
Giai đoạn 2 tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành. Khi dự án đi vào khai thác, rõ ràng sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.
“Sơ bộ chúng tôi đánh giá như vậy và chắc chắn sau này sẽ có những con số cụ thể hơn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và có những đánh giá chi tiết hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Hồng Ân