Tỏi ngâm mật ong giúp tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch. Vậy dùng bài thuốc này có giải bệnh cúm được không? Xin chuyên gia tư vấn! Tôi xin cảm ơn. (Nguyễn Văn Cường - Hà Nội).
Thông tin từ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay:
Bệnh cúm mùa (cúm A, B) theo Y học cổ truyền là cảm mạo ôn bệnh”. Cúm mùa là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng.
Cúm xuất hiện theo mùa, vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Theo nguyên lý y học cổ truyền, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của cúm mùa là ở tạng Phế - hệ hô hấp, thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là thấp độc gồm các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp.
Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Các phương pháp y học cổ truyền có hiệu quả rất tốt trong dự phòng và điều trị cúm.
Tỏi ngâm mật ong tăng cường đề kháng. Ảnh: Minh Huệ
Trong đó, củ tỏi rất giàu allicin - hợp chất có đặc tính kháng khuẩn nên có thể chống lại bệnh tật do vi khuẩn gây ra, từ đó giúp điều trị cúm.
Mật ong có hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp tăng cường hệ miễn dịch, vô hiệu hóa các vi khuẩn gây cúm. Vì vậy, tỏi ngâm mật ong là một trong các bài thuốc có thể hỗ trợ tốt trong bệnh này, giảm tình trạng ho, đau rát họng.
Nguyên liệu chuẩn bị bao gồm 200ml mật ong, 30g tỏi (tương đương với 30 nhánh tỏi), 1 lọ thủy tinh dung tích 300ml.
Bóc vỏ tỏi, đập dập hoặc băm nhỏ để ngoài không khí khoảng 10 phút sau đó cho vào hũ thủy tinh đã đựng sẵn 200ml mật ong. Ngâm 2 tuần có thể dùng được. Nếu cần dùng luôn thì đem hỗn hợp tỏi mật ong hấp cách thủy 20 phút.
Mặc dù tỏi có tác dụng kháng sinh mạnh nhưng chỉ đem lại hiệu quả đối với trường hợp viêm họng do virus, dị ứng hoặc các nguyên nhân không nhiễm trùng khác. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi, người đang bị tiêu chảy hoặc đầy bụng.
Trường hợp cần đi viện khám như sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh, nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ dữ dội; tím môi và đầu chi lạnh. Đặc biệt, người già trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch càng cần cẩn trọng.
Để phòng cúm, bạn nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ như xông mũi. Việc xông hơi nóng vào mũi, họng và phổi là giải pháp lý tưởng để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn đầu mới nhiễm, khi virus khu trú tại chỗ ở mũi, miệng, họng, thậm chí ở phổi nhưng chưa nhiễm vào máu. Nhiệt độ cao sẽ tấn công virus và ngăn chặn quá trình tự nhân đôi của chúng. Rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày cũng có tác dụng.
Cúm
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm như: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi Người lớn trên 65 tuổi Người bệnh ở viện dưỡng lão Phụ nữ có thai và phụ nữ hai tuần sau sinh Những người có hệ miễn dịch yếu Những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và tiểu đường Những người rất béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên Mặc dù vắc-xin cúm không hiệu quả 100%, tuy nhiên đây vẫn là cách phòng chống cúm tốt nhất nếu được tiêm hằng năm.
Phương Thúy