Thuốc kháng virus Tamiflu (Oseltamivir) có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm cả tác dụng phụ thường gặp, ít nguy hiểm và các tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp bởi bác sĩ. Thậm chí theo WebMD, Oseltamivir có thể gây ra các phản ứng da nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm.
Đây là thuốc kê đơn, vì vậy cần uống Tamiflu theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tâm lý "uống để phòng cúm", "uống thừa còn hơn không uống" dẫn tới kháng thuốc do lạm dụng hay tích trữ quá mức Tamiflu vì lo sợ khan hàng, tăng giá trong mùa cúm.
Tamiflu hay Oseltamivir là thuốc kháng virus và có khả năng ức chế sự phát triển của virus trong điều trị cúm A, cúm B (Ảnh: ST)
1. Các tác dụng phụ của thuốc kháng virus Tamiflu là gì?
Người uống Tamiflu có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ tới nghiêm trọng trong khi uống thuốc. Theo Healthline, uống Tamiflu có thể gây ra các tác dụng phụ sau đây:
- Tác dụng phụ nhẹ, thường bao gồm: Đau đầu (2 - 17% người trên 13 tuổi gặp phải), buồn nôn (10% người trên 13 tuổi gặp phải), nôn mửa (phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên với tỷ lệ khoảng 8% người trên 13 tuổi và 16% trẻ từ 1 - 12 tuổi báo cáo) và đau nhức cơ thể nói chung.
Trong hầu hết các trường hợp thì các tác dụng phụ này chỉ mang tính tạm thời, có thể gặp trong vòng 2 ngày kể từ khi uống thuốc. Uống Tamiflu cùng thức ăn có thể làm giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ này. Nếu các triệu chứng vừa liệt kê kéo dài hơn hoặc gây khó chịu cho sinh hoạt, hãy nói chuyện với bác sĩ và tuyệt đối không tự ý ngừng uống Tamiflu trừ khi bác sĩ yêu cầu.
- Tác dụng phụ ít phổ biến: Đau bụng, đau dạ dày; chóng mặt; khó ngủ; chảy máu mũi không rõ nguyên nhân; mắt nóng rát, khô hoặc ngứa; rối loạn thính giác; chảy nước mắt quá mức; đỏ mắt, đau mắt hoặc sưng mắt/mí mắt; tiêu chảy (phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh - khoảng 7%).
- Tác dụng phụ nghiêm trọng: Phản ứng dị ứng thuốc có thể gây ra các vấn đề hô hấp như thở khò khè, khó thở, sưng nề mặt, môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng hay mẩn ngứa, phát ban trên da tựa như nổi mề đay; lú lẫn, ảo giác, co giật, chóng mặt, rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn hành vi; tim đập nhanh; sưng hạch bạch huyết. Nếu gặp phải các tác dụng phụ này cần nhanh chóng nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn.
Theo WebMD, uống Oseltamivir có thể gây ra các phản ứng da nghiêm trọng được gọi là hồng ban đa dạng (erythema multiforme), Hội chứng Stevens-Johnson (SJS), Hội chứng ly thượng bị hoại tử nhiễm độc (Toxic Epidermal Necrolysis (TEN)) có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm. Triệu chứng gồm da bị phồng rộp, bong tróc, ngứa ngáy, khó thở, loét miệng. Lúc này cần ngừng thuốc ngay. Bởi vậy cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ dùng thuốc theo đơn bác sĩ.
2. Câu hỏi thường gặp khi uống Tamiflu
Mặc dù không phải loại thuốc mới nhưng vẫn có nhiều băn khoăn xung quanh việc dùng thuốc Tamiflu trị cúm. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp khi uống Tamiflu bạn có thể tham khảo?
- Liều uống Tamiflu là bao nhiêu?
Thuốc Tamiflu có hai dạng gồm viên nang và hỗn dịch lỏng. Tùy từng độ tuổi, tình trạng bệnh cúm mà bác sĩ có thể chỉ định uống Tamiflu để điều trị cúm A, cúm B hay để phòng ngừa bệnh cúm.
Liều uống Tamiflu tham khảo dựa trên độ tuổi/cân nặng (tính theo kilogam - kg):
+ Trẻ từ 1 tuổi trở xuống: 3mg/kg, 2 lần/ngày.
+ Trẻ trên 1 tuổi nhưng có cân nặng dưới 15 kg: 30mg, 2 lần/ngày.
+ Người có cân nặng từ 16 - 23 kg: 45mg, 2 lần/ngày.
+ Người có cân nặng từ 24 - 40 kg: 60mg, 2 lần/ngày.
+ Người có cân nặng trên 40 kg: 70mg, 2 lần/ngày.
- Tamiflu có phải thuốc kháng sinh không?
Không, Tamiflu không phải thuốc kháng sinh. Đây là thuốc kháng virus dùng để hỗ trợ điều trị bệnh do virus cúm A, cúm B gây ra.
- Có nên uống bù Tamiflu nếu quên liều?
Nếu quên liều uống Tamiflu, bạn nên uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu liều uống bù quá sát với giờ uống liều tiếp theo (trong vòng 2 giờ), thì không nên uống bù. Tránh trường hợp tự ý uống gấp đôi hoặc thêm liều để bù sát nhau có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Bảo quản thuốc Tamiflu thế nào?
Nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh môi trường nhiệt độ quá cao hoặc quá ẩm. Thuốc Tamiflu dạng lỏng nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và uống thuốc trong vòng 17 ngày hoặc 10 ngày nếu để ở nhiệt độ phòng. Với thuốc đã hết hạn, tốt nhất nên vứt bỏ thay vì tiếp tục sử dụng.
- Uống Tamiflu có gây buồn ngủ không?
Không. Không có số liệu đáng lo ngại về tác dụng gây buồn ngủ khi uống Tamiflu. Tuy nhiên mệt mỏi nghiêm trọng, lại là một triệu chứng phổ biến của bệnh cúm hoặc buồn ngủ cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc cúm không kê đơn như acetaminophen/dextromethorphan/doxylamine.
- Tamiflu có an toàn cho người lớn tuổi không?
Có. Theo Healthline, tính an toàn và hiệu quả của Tamiflu không khác nhau ở người trên 65 tuổi so với nhóm trẻ hơn dựa trên các nghiên cứu về thuốc.
- Có nên uống Tamiflu thay cho vaccine phòng cúm không?
Theo hướng dẫn thì Tamiflu có thể sử dụng trong một số trường hợp để phòng ngừa cúm, nhưng so với việc tiêm vaccine ngừa cúm thì vaccine đem đến hiệu quả ngừa bệnh cao hơn. Chỉ uống Tamiflu để phòng cúm theo hướng dẫn của bác sĩ bởi không phải ai cũng nên uống Tamiflu. Tamiflu thường cần thiết với người có nguy cơ cao nhiễm và dễ gặp biến chứng nặng nếu nhiễm virus cúm A, B; người có vấn đề suy giảm miễn dịch chẳng hạn như người bị đái tháo đường, người bệnh phổi hay bệnh hô hấp mãn tính; người bị bệnh gan, bệnh máu, bệnh thần kinh, bệnh thận, bệnh tim mạch mãn tính.
Cuối cùng, trước khi uống Tamiflu, hãy nói cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh của bản thân, có tiền sử dị ứng gì hay không, có gặp khó khăn khi nuốt không, đang mang thai hoặc cố gắng mang thai không,... dựa trên bệnh sử của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng hoặc thuốc điều trị cúm phù hợp.
Cần lưu ý rằng, thuốc Tamiflu chỉ có hiệu quả nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và uống thuốc trong 48 giờ đầu - tính từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, trước khi virus kịp sinh sôi sẽ giúp rút ngắn thời gian bị cúm khoảng 2 ngày. Sau thời gian này, uống thuốc liều bao nhiêu cũng vô hiệu.
Nguồn: Tổng hợp
Châu Anh