Tác dụng phụ tiềm ẩn của việc sử dụng giấm táo sai cách

Tác dụng phụ tiềm ẩn của việc sử dụng giấm táo sai cách
11 giờ trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Giấm táo có thể gây mòn men răng
2. Một số người có cảm giác buồn nôn khi uống giấm táo
3. Hạ kali máu và tương tác thuốc gây nguy hiểm
4. Cách sử dụng giấm táo để có kết quả tốt nhất
Giấm táo không chứa nhiều vi chất dinh dưỡng nhưng một trong những hợp chất hoạt động chính là acid axetic, góp phần tạo nên nhiều lợi ích sức khỏe của giấm táo. Acid axetic là hợp chất hoạt động chính của giấm, bao gồm acid lactic và vi khuẩn, ngoài ra malic và xitric là những thành phần tạo vị chua cho giấm táo.
Một số nghiên cứu ủng hộ vai trò của acid axetic trong việc giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường và giảm mức cholesterol ở những người béo phì.
Giấm táo cũng chứa men vi sinh tự nhiên có thể giúp cải thiện sức khỏe hệ vi sinh đường ruột và chất chống oxy hóa được biết đến có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào liên quan đến tuổi tác, góp phẩn chống lại bệnh tật, giảm các phản ứng có hại trong cơ thể.
Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng Eliza Savage (New York, Hoa Kỳ), việc lạm dụng giấm táo gây ra tình trạng khó tiêu hóa nghiêm trọng ở một số người. Dưới đây là một số tác dụng phụ khi tiêu thụ giấm táo quá nhiều hoặc dùng sai cách:
1. Giấm táo có thể gây mòn men răng
Giấm táo có chứa acid axetic và đồ uống có chứa hàm lượng acid cao có thể làm hỏng men răng theo thời gian. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố trên Clinical Laboratory phát hiện ra rằng việc tiêu thụ giấm táo thường xuyên có thể gây mất khoáng chất trong răng, dẫn đến tổn thương men răng.
Tính acid cao của giấm táo có thể làm mòn men răng nếu sử dụng thường xuyên hoặc không pha loãng.
Theo TS. Soma Mandal, làm việc tại Summit Medical Group ở Berkeley Heights, New Jersey cho biết, vì giấm táo có tính acid nên việc tiêu thụ quá mức dễ dẫn đến mòn men răng. Tốt nhất chỉ nên uống giấm táo hoặc nước ép trái cây có tính acid cùng bữa ăn. Hãy pha loãng theo tỷ lệ 1 phần nước trái cây/giấm táo với 10 phần nước và không thêm đường.
2. Một số người có cảm giác buồn nôn khi uống giấm táo
Trước đây đã có nghiên cứu ủng hộ tuyên bố về lợi ích của giấm táo đối với tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn nhưng có một nhược điểm tiềm ẩn liên quan đến tiêu hóa khi sử dụng loại giấm này. Theo một nghiên cứu nhỏ được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Béo phì, mặc dù giấm táo đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ăn ở những bệnh nhân tham gia nghiên cứu nhưng nhiều người trong số họ vẫn bị buồn nôn khi uống.
Chuyên gia dinh dưỡng Leslie Bonci có trụ sở tại Pittsburgh cho biết, những người uống nhiều giấm táo pha loãng thay cho một bữa ăn nhẹ thực sự có thể đói hơn vì giấm có lượng calo quá thấp. Hơn nữa, giấm táo có thể gây kích ứng dạ dày và gây ra các vấn đề tiêu hóa như ợ nóng, khó tiêu, thậm chí là loét dạ dày ở những người có dạ dày nhạy cảm.
3. Hạ kali máu và tương tác thuốc gây nguy hiểm
Một tác dụng phụ tiềm ẩn khác khi uống nhiều giấm táo là hạ kali máu. Tiêu thụ quá nhiều giấm táo có thể làm giảm lượng kali trong cơ thể, dẫn đến tình trạng hạ kali máu. Các triệu chứng của hạ kali máu bao gồm mệt mỏi, chuột rút cơ, táo bón và nhịp tim không đều.
TS. Soma Mandal cho biết, giấm táo cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Vì giấm táo có thể làm giảm lượng đường trong máu nên nó có thể khiến lượng đường trong máu xuống quá thấp nếu dùng chung với thuốc trị đái tháo đường. Do đó, nếu đang dùng thuốc lợi tiểu, insulin, thuốc huyết áp và thuốc nhuận tràng thì nên hạn chế sử dụng giấm táo. Điều này đặc biệt liên quan đến những người mắc bệnh đái tháo đường cả type 1 và 2 gây khó kiểm soát lượng đường trong máu.
4. Cách sử dụng giấm táo để có kết quả tốt nhất
TS. Lisa Young - chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng tại Hoa Kỳ, đưa ra một số lời khuyên hữu ích về những cách tốt nhất để bạn có thể bắt đầu thêm giấm táo vào thói quen thường ngày của mình.
Pha loãng: Trộn 1-2 thìa canh giấm táo vào một cốc nước lớn vì giấm táo chưa pha loãng có thể làm hỏng men răng và gây kích ứng cổ họng.
Thêm mật ong hoặc chanh: Một thìa mật ong hoặc nước cốt chanh có thể cải thiện hương vị và cung cấp thêm chất dinh dưỡng.
Sử dụng trong nước sốt trộn salad: Sử dụng giấm táo trong nước sốt tự làm với dầu ô liu, thảo mộc và gia vị.
Nấu ăn: Thêm một lượng nhỏ vào súp, món hầm và nước xốt ướp để có hương vị chua dịu.
Thêm vào sinh tố: Thêm một ít giấm táo vào sinh tố buổi sáng để tăng cường sức khỏe.
Thêm 1 thìa mật ong hoặc nước cốt chanh vào giấm táo có thể cải thiện hương vị và cung cấp thêm chất dinh dưỡng.
Nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng giấm táo bằng đường uống trong tối đa 12 tuần có thể an toàn. Tuy nhiên, sử dụng giấm táo lâu dài có nguy cơ gây ra rủi ro, lạm dụng giấm táo gây hại cho thực quản, men răng và da. Ngoài ra, sử dụng một lượng lớn giấm táo trong thời gian dài có thể làm giảm nồng độ kali, gây các triệu chứng như nhịp tim bất thường, mệt mỏi, tổn thương cơ, yếu đuối, tê, ngứa, táo bón...
Hiện nay chưa có đủ bằng chứng đáng tin cậy để biết liệu giấm táo có an toàn khi sử dụng thường xuyên khi mang thai hoặc cho con bú hay không. Vì vậy, các chuyên gia khuyên chỉ nên sử dụng giấm táo làm gia vị cho chế biến thực phẩm trong thời gian này.
Mọi người không nên sử dụng giấm táo như một cách điều trị bệnh lý mạn tính vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với việc giảm cân bằng giấm táo cũng cần có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, tuyệt đối không được lạm dụng sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Thiên Châu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-phu-tiem-an-cua-viec-su-dung-giam-tao-sai-cach-169240916113406125.htm