Tổ chức không gian phát triển hiệu quả, bền vững, hài hòa
Quyết nghị của HĐND tỉnh dựa trên cơ sở vững chắc từ lợi thế và tiềm năng bổ trợ của mỗi địa phương. Hưng Yên sở hữu vị trí địa lý chiến lược, nằm sát Hà Nội và là điểm kết nối giao thông quan trọng với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt và đường thủy. Vị trí đắc địa trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cùng hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã giúp Hưng Yên trở thành địa phương thu hút đầu tư hàng đầu, đặc biệt là FDI vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp chế biến - chế tạo.
Năm 2024, Hưng Yên thu hút vốn đầu tư đạt kỷ lục, nhất là vốn đầu tư FDI. Tính đến hết năm vừa qua, tỉnh có 2.371 dự án; trong đó, có 1.755 dự án trong nước và 616 dự án nước ngoài, có tổng vốn đăng ký hơn 370.000 tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ USD. Tỉnh có 17 khu công nghiệp đã được quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 4.395ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.596ha đất để triển khai các dự án đầu tư. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,7%, quy mô nền kinh tế đạt 159.844 tỷ đồng. Hưng Yên được định hướng, đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa phố Hiến xưa; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: B. Trâm
Trong khi đó, Thái Bình kết nối liên vùng qua các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 39B, đường ven biển, có 5 cửa sông lớn và hệ thống cảng nội địa, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, logistics và công nghiệp. Chính từ những lợi thế địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu kinh tế Thái Bình với diện tích lên tới 30.583ha, đã và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn. Đây là 1 trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, được định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng, đô thị, dịch vụ và kinh tế biển.
Năm 2024, GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2023; quy mô kinh tế đạt trên 132.700 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt trên 43.177 tỷ đồng; trong đó có 199 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 30.100 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI đạt 1,16 tỷ USD, đứng thứ 12 cả nước, là năm thứ 2 liên tiếp vốn FDI của tỉnh Thái Bình đạt trên 1 tỷ USD.
Cơ hội lớn để làm mới bộ máy, làm mới tư duy phát triển
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy thông tin tại kỳ họp, tỉnh Hưng Yên mới sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của cả 2 địa phương, với diện tích 2.514,81km2 (đạt 71,86% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.567.943 người (đạt 255% so với tiêu chuẩn). Trung tâm chính trị - hành chính dự kiến đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện tại. Đặc biệt, kết quả lấy ý kiến trước đó đã ghi nhận 97,37% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; 139/139 HĐND của đơn vị hành chính cấp xã, 10/10 HĐND của đơn vị hành chính cấp huyện biểu quyết nhất trí tán thành hai Đề án đặc biệt quan trọng này.
Việc hợp nhất này sẽ hình thành một tỉnh Hưng Yên mới có quy mô kinh tế lớn mạnh hàng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng; giúp khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất, kết nối giao thông và phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nông nghiệp. Qua đó, tạo ra bước đi chiến lược nhằm nâng cao sức cạnh tranh của khu vực và đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Tờ trình về Đề án và Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình đã được HĐND tỉnh Khóa XVII thống nhất thông qua sau quá trình xem xét, phân tích kỹ lưỡng. Sự đồng thuận cao của các đại biểu thể hiện nhận thức sâu sắc về ý nghĩa chiến lược và tầm nhìn dài hạn của việc nhập 2 địa phương để thành lập tỉnh Hưng Yên mới. Mặc dù, công việc tiếp theo còn hết sức bộn bề nhưng quyết định này sẽ mở ra cơ hội để rà soát, kiện toàn và đổi mới toàn diện bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, đổi mới tư duy phát triển theo hướng chiến lược, dài hạn và bền vững.
Trong nội dung phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đã một lần nữa khẳng định sự thống nhất cao của các đại biểu và nhấn mạnh, việc sắp xếp không chỉ là cơ học - cộng gộp về địa giới hành chính mà quan trọng hơn là sự hòa nhập văn hóa, hài hòa tổ chức, thống nhất phương thức quản lý, đồng thuận trong cộng đồng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Hưng Yên làm mới bộ máy, làm mới tư duy phát triển và tạo ra động lực mới cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.
Người đứng đầu cơ quan dân cử tỉnh cũng lưu ý, sự thành công trong quá trình sáp nhập 2 địa phương sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức triển khai khoa học, bài bản và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Do đó, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chủ động phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương để hoàn thiện đề án với lộ trình chi tiết về chính trị, pháp lý, tổ chức bộ máy, tài sản, tài chính, nhân sự và công tác tuyên truyền sâu rộng để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, biến quyết nghị lịch sử này thành động lực, nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng của địa phương.
Bảo Trâm