Tái cơ cấu lại EVN: Mục tiêu năm 2025 có lãi, tăng trưởng doanh thu 7-10%

Tái cơ cấu lại EVN: Mục tiêu năm 2025 có lãi, tăng trưởng doanh thu 7-10%
5 giờ trướcBài gốc
Về lộ trình thực hiện, EVN tập trung thực hiện cơ cấu lại tổ chức và sở hữu, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại EVN và các đơn vị thành viên EVN theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án đặt mục tiêu đưa EVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác… Phấn đấu doanh thu toàn Tập đoàn đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân từ 7-10%.
Đẩy mạnh cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như hoàn thiện thể chế quản lý; tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư... Ảnh: EVNSPC.
Cơ cấu lại công ty mẹ và các đơn vị thành viên
Theo Kế hoạch, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; giữ nguyên các đơn vị trực thuộc (trừ Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4).
Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ sắp xếp theo Đề án riêng về thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thành lập.
Doanh nghiệp do EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP HCM; Tổng công ty Phát điện 1; Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.
Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4; Tổng công ty Phát điện 2 - CTCP; Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP.
Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3.
Cơ cấu lại tài chính và tăng cường quản trị tài chính
Đề án cũng xác định rõ định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn đến hết năm 2025.
Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như hoàn thiện thể chế quản lý; tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro; nâng cao năng lực công tác kiểm toán giám sát, thanh tra; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ thuộc EVN theo quy định.
Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng tăng tính chủ động cho EVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Áp dụng quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế tại EVN và các đơn vị thành viên.
Về phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, EVN sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; thực hiện đổi mới mô hình tổ chức hướng đến giảm lao động quản lý gián tiếp tại cấp quản lý trung gian, đơn vị cấp dưới để đảm bảo tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả và hạn chế chồng chéo các chức năng nhiệm vụ tại Công ty mẹ; nghiên cứu tổ chức phòng điều khiển trung tâm (OCC) để điều khiển tập trung nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo.
Theo Đề án, EVN sẽ xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, kế hoạch tài chính đảm bảo sử dụng tối ưu, hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn huy động được với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính và các chỉ tiêu theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng cho vay vốn trong và ngoài nước;
Xây dựng phương án tài chính, phương án cân đối vốn và dòng tiền để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các giải pháp đến tình hình tài chính của EVN, khả năng cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án điện quan trọng đến hết năm 2025.
Nghiên cứu cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ điện thuộc các Tổng công ty Điện lực theo lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; xây dựng cơ chế giá bán buôn điện giữa Công ty mẹ - EVN với các đơn vị kinh doanh phân phối điện phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường...
EVN còn lỗ hơn 48.000 tỷ đồng
Năm 2023, EVN lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác), chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá 18.032 tỷ đồng dù đã 2 lần tăng giá điện là 3% và 4,5%.
Như vậy, cả 2 năm 2022 và 2023, số lỗ của EVN vẫn còn hơn 48.000 tỷ đồng. Kể cả lần tăng giá này, lãnh đạo EVN cho hay chỉ bù đắp phần nào chi phí, EVN vẫn chưa thoát lỗ.
Thực tế, EVN có doanh thu hơn 500.000 tỷ đồng mỗi năm, trong khi số lỗ trong 2 năm 2022-2023 hơn 48.000 tỷ đồng (sau khi được giảm trừ một số thu nhập khác liên quan đến sản xuất điện), còn chưa kể 18.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá.
Hồng Hạnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/tai-co-cau-lai-evn-muc-tieu-nam-2025-co-lai-tang-truong-doanh-thu-7-10-192241026100828253.htm