Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD đạt kết quả tích cực

Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD đạt kết quả tích cực
10 giờ trướcBài gốc
Đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, toàn ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ đã được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các TCTD trong thời gian qua, đặc biệt giai đoạn dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, khắc phục hậu quả cơn bão số 3... Các quy định hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các chương trình kết nối khách hàng – doanh nghiệp; các gói tín dụng phục vụ cho các đối tượng, lĩnh vực ngành nghề đặc thù... đã giúp các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Một trong những kết quả nổi bật là khung pháp lý liên quan đến hoạt động của các TCTD không ngừng được củng cố, hoàn thiện. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 đã bổ sung nhiều quy định quan trọng như xử lý TCTD yếu kém, giới hạn sở hữu, xử lý nợ xấu... Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD gần đây đã trao thêm thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt và luật hóa các vấn đề về tài sản đảm bảo của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế liên quan đến chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được ban hành đồng bộ, góp phần hiện đại hóa hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, theo ông Tú, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng đã mở ra cơ hội lớn cho các TCTD đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với công nghệ tài chính hiện đại và xu hướng phát triển toàn cầu.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV
Nợ xấu hệ thống TCTD được tập trung xử lý; với các chính sách của NHNN, các TCTD đã tập trung xử lý và kéo giảm tỷ lệ nợ xấu (mặc dù nền kinh tế rất khó khăn) nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD theo báo cáo là được duy trì ở mức thấp 1,5 – 2%.
Các TCTD nhìn chung đã đổi mới quản trị, tuân thủ Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (20 Ngân hàng niêm yết đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu, trong đó có nhiều ngân hàng đã áp dụng phương pháp tiêu chuẩn nâng cao của Basel III; không ít tổ chức đã áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị công ty (Bộ Nguyên tắc quản trị OECD...). Các ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái tài chính - ngân hàng; cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. Đặc biệt, thời gian qua đã chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Xu hướng phát triển xanh của các ngân hàng cũng có bước phát triển quan trọng, tín dụng danh tăng trưởng bình quân 20%/năm cung cấp một lượng tín dụng xanh cho nền kinh tế.
Về phía BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết, qua 4 năm triển khai Chiến lược phát triển tổng thể đến năm 2025, định hướng 2030, tính đến 30/6/2025, BIDV đã thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức, một số chỉ tiêu đang tiệm cận và sẽ hoàn thành khi kết thúc giai đoạn tái cơ cấu. Đáng chú ý, cơ cấu hoạt động được chuyển dịch mạnh mẽ, chất lượng tài sản được kiểm soát. Năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được nâng cao, các chỉ tiêu an toàn (CAR, LDR...) tuân thủ theo quy định.
Riêng đối với BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết, sau 4 năm thực hiện phương án tái cơ cấu, BIDV đã phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các mặt hoạt động, quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả và phát triển thể chế, thực hiện tốt vai trò chủ đạo trên thị trường, góp phần cùng hệ thống các TCTD hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025.
Để hệ thống các TCTD phát triển bền vững và phục vụ tốt nền kinh tế, Chủ tịch HĐQT BIDV đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý; Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục chỉ đạo phát triển đồng bộ và cân bằng hơn giữa thị trường tài chính và thị trường vốn. Điều này nhằm tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và tạo điều kiện cho các TCTD tập trung cung ứng vốn ngắn hạn và thực hiện các dịch vụ ngân hàng; hỗ trợ tăng vốn điều lệ cho các TCTD để đáp ứng yêu cầu thể chế, các thông lệ quốc tế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới; tiếp tục tăng cường năng lực quản lý và giám sát an toàn, ổn định hệ thống ở cấp quốc gia, bao gồm việc xây dựng mô hình quản lý, cảnh báo rủi ro, và cơ chế ứng phó khủng hoảng, cũng như tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên trong thực tế. Đặc biệt, nếu có đề án tái cơ cấu cho giai đoạn tiếp theo, cần cá thể hóa phương án tái cơ cấu. NHNN sớm có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này để các ngân hàng có định hướng rõ ràng.
Hồng Quang - ảnh Hoàng Giáp
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tai-co-cau-xu-ly-no-xau-cua-cac-tctd-dat-ket-qua-tich-cuc-167064.html