Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2024 và vượt cả giai đoạn “đỉnh cao” năm 2019 - trước thời điểm dịch Covid-19. Đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế cùng với 66 triệu lượt khách nội địa là dấu hiệu cho thấy du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp có tính quyết định đến chiến lược phát triển trong tương lai. Nếu tận dụng tốt đà phục hồi này để tái định vị thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiện đại hóa cách tiếp cận du khách, du lịch Việt có thể bứt phá thực sự.
Bức tranh du lịch nửa đầu năm không chỉ phản ánh đà tăng trưởng mạnh mẽ mà còn mở ra thời điểm “vàng” để nâng tầm hình ảnh điểm đến, chuyển dịch từ tăng trưởng số lượng sang phát triển bền vững, đồng thời thích ứng với những thay đổi lớn trong cấu trúc hành chính, xu hướng thị trường và hành vi du khách thời đại số. Sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách là kết quả của hàng loạt chính sách kích cầu đúng hướng: áp dụng thị thực điện tử 90 ngày, miễn visa cho nhiều nước châu Âu, tăng cường xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Đức, Pháp, Ba Lan, Ấn Độ, Trung Quốc... Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc, Việt Nam đã khẳng định vị thế khi xếp thứ 6 thế giới về tăng trưởng khách quốc tế trong quý 1 và đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi du lịch, vượt qua cả Nhật Bản.
Không chỉ giúp hồi phục ngành “công nghiệp không khói”, du lịch còn tạo lực đẩy đáng kể cho nền kinh tế. Theo Cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, trong đó khu vực dịch vụ (có du lịch) tăng 8,14%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 15 năm qua. Đặc biệt, du lịch đang góp phần tái cấu trúc tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, dịch vụ hóa và gắn với đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, những con số tăng trưởng khả quan chưa đủ để đảm bảo thành công lâu dài. Một thách thức lớn hiện nay là chuyển hóa tăng trưởng về số lượng sang chất lượng. Việt Nam vẫn bị đánh giá là điểm đến có mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế thấp, thời gian lưu trú ngắn, sản phẩm du lịch thiếu chiều sâu và trải nghiệm chưa thực sự bền vững. Nguyên nhân là thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ đi kèm chưa đồng bộ và chuỗi giá trị du lịch chưa hoàn chỉnh, dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận.
Sự thay đổi địa giới hành chính vừa qua cũng đặt ra bài toán không nhỏ về nhận diện thương hiệu. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong giai đoạn sáp nhập, địa phương cần sớm tiến hành nghiên cứu thị trường, điều chỉnh thông điệp truyền thông và kết hợp sử dụng cả tên địa danh cũ và mới để giữ được sự quen thuộc và tránh gây hoang mang cho du khách quốc tế. Việc cập nhật bản đồ du lịch, xây dựng các tuyến liên vùng và liên tỉnh mới là cần thiết để tránh sự đứt gãy trong kết nối điểm đến.
Trong bối cảnh lượng khách quốc tế tự túc tăng nhanh, xu hướng tìm kiếm và đặt dịch vụ qua nền tảng số ngày càng phổ biến, xúc tiến du lịch Việt Nam không thể giữ cách làm cũ. Truyền thông cần chuyển mạnh sang môi trường số, tận dụng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, bản đồ số và ứng dụng du lịch để đưa thông tin đến đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Khi thương hiệu điểm đến được định vị rõ ràng, truyền thông hiệu quả, du khách sẽ cảm thấy yên tâm và thích đến Việt Nam.
MAI AN