Tung hô “Chúa” trong lễ rước. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
Sáng 8/2 (ngày 11 tháng Giêng), UBND huyện Đông Anh tổ chức Lễ hội đền Sái với tục rước Vua thực hành nghi vệ thiên tử, xưng quan tước, bái yết đức Huyền Thiên Trấn Vũ, thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc, đất nước phồn vinh. Đây là dịp để mỗi người dân và du khách cảm nhận sâu sắc hơn về những nét đẹp truyền thống của quê hương, từ đó thấm nhuần lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa quý báu của quê hương Đông Anh.
Trải qua mấy nghìn năm thăng trầm cùng lịch sử, Lễ hội rước Vua diễn ra tại cụm di tích Đình Thụy Lôi và Đền Sái vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm tái hiện lại những nghi thức cổ truyền, những giá trị lịch sử, văn hóa phong phú, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân đã có công giúp nước an dân, được hòa mình vào không gian thiêng liêng, nơi mà những giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, trân trọng và phát huy.
Theo truyền thuyết xưa, vào khoảng năm 258 trước công nguyên, nhà Thục đại thắng nhà Tần. An Dương Vương lên ngôi Hoàng Đế đóng đô ở Cổ Loa, đặt tên nước là Âu Lạc. Để trị quốc an dân, nhà Vua cho xây thành đắp lũy. Tuy nhiên, thành xây xong lại đổ, lũy đào xong lại đầy. Do đó, nhà Vua cho lập đàn cầu tế Thiên Địa và được Thanh Giang sứ (tức rùa vàng) ứng báo tại ngọn núi Thất Diệu Sơn (tức núi Sái ngày nay) có con Bạch Kê Tinh ẩn náu và phá phách việc xây thành của nhà Vua.
Nhà Vua cùng đoàn tùy tùng gồm chúa và các quan lại thần trong triều đến ngọn núi Thất Diệu Sơn hành lễ và sau đó một thời gian thành được xây xong, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho đất nước Âu Lạc thời kỳ đó.
Nghi lễ "rước Vua” từ đình làng đến đền Sái. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
Trong Lễ hội “rước Vua”, tất cả các động tác, tình tiết đều nhằm diễn lại tích xưa, tái hiện lại việc Vua, chúa cùng đoàn tùy tùng về bái yết đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Vì vậy các ngôi thứ, võng lọng đều phô trương theo lối của triều đình nhà Thục. Khi kiệu chúa tới Đền Thượng, chúa xuống kiệu làm lễ ướm gươm, chém 3 nhát kiếm vào tảng đá cũ làm cho bát phẩm đỏ đổ ra, tục truyền đây là động tác chém đầu gà trắng (tức Bạch kê tinh). Khi làm lễ bái vọng xong vua cùng các quan về Đình hành lễ.
Hằng năm, vào mùa xuân, Vua chúa cùng các quan lại đích thân về đây bái yết. Về sau, do thấy việc đi lại tốn hao tiền của, công sức của nhân dân nên vua ban cho dân làng Thụy Lôi - xã Thụy Lâm được thực hành nghi lễ thiên tử, xưng quan tước, bái yết ngài. Từ đó, lễ hội rước Vua dần được hình thành và trở thành một lễ hội, một hoạt động văn hóa độc đáo của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Phát biểu tại Lễ khai hội đền Sái, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, hành trình di sản về với đền Sái, về với lễ hội rước Vua độc đáo thể hiện tính đoàn kết cộng đồng với những nét văn hóa truyền thống từ ngàn xưa để lại. Phát huy truyền thống của vùng đất giàu bản sắc văn hóa, năm 2025, huyện Đông Anh cùng Thủ đô Hà Nội thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới.
Để phát huy giá trị lễ hội đền Sái trong giai đoạn mới, bà Nguyễn Thị Tám kiến nghị mong mỏi mỗi người dân địa phương cần phải có trách nhiệm với lịch sử, với quê hương bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa như: Bảo vệ các di tích, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tích cực trồng cây xanh, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua 3 sạch, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội đền Sái trong sáng 8/2, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đánh giá, môi trường lễ hội sạch đẹp, không khí vui tươi mang lại cảm xúc phấn chấn cho người dân và du khách. Tuy nhiên, Ban Tổ chức cần phân luồng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách trong những mùa hội tiếp theo.
Lễ hội đền Sái được tổ chức hằng năm từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng, trong đó đặc sắc là Lễ hội rước Vua vào ngày 11 tháng Giêng. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 28/1 đến 12/2 (tức từ 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Khu di tích lịch sử đền Sái. Các hoạt động của lễ hội gồm: Dâng hương, tế lễ, hội rước Vua giả, văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao.
Tuyết Mai/TTXVN