Tai nạn giao thông mãi báo động, vì sao?: Ý thức giao thông là trên hết

Tai nạn giao thông mãi báo động, vì sao?: Ý thức giao thông là trên hết
5 giờ trướcBài gốc
Bất cứ hành vi lơ là, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ có khi phải trả giá bằng tính mạng và sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) cũng như ùn tắc giao thông trên địa bàn, TP HCM cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gồm giải pháp công trình và phi công trình.
Cụ thể, ông Hải cho biết ngoài những công trình đã đưa vào sử dụng năm 2023 và dần hoàn thiện năm 2024, Sở GTVT đang triển khai Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030, trong đó ưu tiên khép kín Vành đai 2, mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu đường Nguyễn Khoái, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Duy Trinh, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...Ngoài ra, ưu tiên đầu tư các công trình vừa chống ngập vừa mở rộng đường giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông và hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, Sở GTVT đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng 5 công trình BOT ở cửa ngõ thành phố với tổng kinh phí gần 60.000 tỉ đồng gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). "Trong thời gian tới sẽ tập trung thi công, hoàn thành 11 công trình, hạng mục như xây dựng mới cầu Bà Hom, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, xây dựng cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, mở rộng đường Dương Quảng Hàm…" - ông Hải cho hay.
Ngoài giải pháp công trình, ông Đỗ Ngọc Hải cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp phi công trình như ứng dụng công nghệ trong điều hành giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm thông qua Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị; thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, linh hoạt, khoa học tại các giao lộ; ứng dụng cân tự động "phạt nguội" xe quá tải trọng...
"Đặc biệt, một trong những giải pháp không thể thiếu là ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gồm các tuyến metro 1, 2, 3, 4, 5, 6 và hoàn thiện, nâng chất hệ thống xe buýt đang vận hành. Khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân thì phải thực hiện các giải pháp kéo giảm phương tiện giao thông cá nhân. Như vậy mới hy vọng đường sá thông thoáng, giảm ùn tắc thì tai TNGT sẽ giảm" - ông Hải nói.
Vụ TNGT nghiêm trọng trên cầu Phú Mỹ (TP Thủ Đức) ngày 8-8 khiến 8 ô tô hư hỏng nặngẢnh: Anh Vũ
Ám ảnh tai nạn giao thông
Dẫn chứng về cuộc khảo sát vi phạm giao thông của các cháu trong độ tuổi học sinh, trong đó có 71,8% số người được hỏi thì được trả lời lý do vi phạm là "không nhìn thấy cảnh sát giao thông (CSGT)", 55% trả lời do "làm theo người khác", ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, nhận định lý do chính dẫn đến vi phạm giao thông đều thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân thường dẫn đến TNGT trong thời gian qua.
"Do đó, để TNGT không còn là nỗi ám ảnh, nỗi đau của người ở lại, Ban An toàn Giao thông TP kêu gọi mỗi người dân cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của TNGT, nó ảnh hưởng đến nhiều mặt của sự phát triển đời sống và tiến trình vươn lên của người dân thành phố nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Mỗi người phải nghiêm túc nhìn nhận bản thân đã chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ chưa, qua đó nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, con cháu về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống" - ông Lợi nhấn mạnh.
Theo ông Lợi, thế hệ đoàn viên, thanh niên là bộ phận quan trọng, chủ lực trong việc góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, an toàn. Trong năm 2024 -2025, chính quyền TP HCM sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho nhóm đối tượng này, song song đó siết các quy định về việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Phân tích thêm về hậu quả của TNGT, đại diện Phòng CSGT, Công an TP HCM, cho biết trong 51 vụ án bị khởi tố liên quan đến TNGT trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có 31 vụ TNGT xảy ra từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, chiếm 60,78% tổng số vụ TNGT bị khởi tố. Nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng dẫn đến phải khởi tố vụ án bao gồm: không chú ý quan sát 22/51 vụ TNGT (chiếm 43,14%); chuyển hướng không đúng quy định 5/51 vụ TNGT (chiếm 5,8%); đi không đúng phần đường, làn đường quy định 4/51 vụ TNGT (chiếm 7,84%)...
"TNGT là hiểm họa của mọi người dân, nó không chỉ cướp đi sức khỏe, tính mạng của bao người mà còn làm cho biết bao nhiêu người phải rơi vào vòng lao lý, tù tội, biết bao gia đình phải biệt ly... Do đó, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mỗi người dân phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thể hiện văn hóa giao thông, không được chủ quan, lơ là và tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi trong cơ thể có các chất ma túy, rượu bia vì có thể phải trả giá bằng tính mạng và sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật" - đại diện Phòng CSGT nhấn mạnh.
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
THU HỒNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tai-nan-giao-thong-mai-bao-dong-vi-sao-y-thuc-giao-thong-la-tren-het-19624111920394178.htm