Tài sản số bùng nổ: Khung pháp lý nào để kiểm soát rủi ro?

Tài sản số bùng nổ: Khung pháp lý nào để kiểm soát rủi ro?
4 ngày trướcBài gốc
Tài sản mã hóa là xu hướng?
Thông tin tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 27/3, Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) cho biết, công nghệ Blockchain và tài sản mã hóa (tiền mã hóa hay tiền ảo) đã và đang thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu.
Các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung (CEX) với khả năng xử lý hàng tỷ USD giao dịch mỗi ngày, đã trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái tài chính số.
Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa. Ảnh: Thanh Tuấn
Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường này cũng rất đáng chú ý. Theo báo cáo của Chainalysis, trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, tổng giá trị tiền mã hóa chảy vào Việt Nam ước tính đạt 90,8 tỷ USD.
Trong số đó, gần 1 tỷ USD được xác định liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm lừa đảo, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Con số này không chỉ phản ánh sức hút của tiền mã hóa đối với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cho thấy những lỗ hổng tiềm tàng trong việc quản lý dòng tiền số.
Đặc điểm nổi bật của các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung là tính ẩn danh, tốc độ giao dịch nhanh chóng và khả năng liên kết xuyên biên giới mà không cần qua các trung gian tài chính truyền thống. Những ưu điểm này, dù mang lại sự tiện lợi cho người dùng hợp pháp, lại vô tình tạo ra một môi trường lý tưởng cho các tổ chức tội phạm và khủng bố khai thác”, ông Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Dương Đức Hùng, tại Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng.
Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố cho rằng, có một số yếu tố đặc thù khiến Việt Nam trở thành mục tiêu tiềm tàng cho các hoạt động tài trợ khủng bố qua tài sản mã hóa.
Thứ nhất, vị trí địa lý chiến lược. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, gần các quốc gia từng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khủng bố như Indonesia, Philippines hay Thái Lan. Điều này khiến chúng ta có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển cho các dòng tiền bất hợp pháp xuyên quốc gia, bao gồm cả tài trợ khủng bố.
Thứ hai, thực trạng tội phạm tài chính số. Theo thống kê từ lực lượng công an, tính đến cuối năm 2024, đã có 44 vụ án về tội rửa tiền được khởi tố và điều tra trên cả nước. Một số vụ trong đó liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tiền mã hóa, sử dụng các sàn giao dịch không phép để chuyển tiền ra nước ngoài. Dù các vụ việc này chủ yếu là lừa đảo, chúng cho thấy khả năng các tổ chức khủng bố có thể áp dụng mô hình tương tự để huy động và luân chuyển nguồn tài chính.
Thứ ba, hạn chế trong quản lý dòng tiền. Sự phổ biến của các giao dịch tiền mã hóa không qua trung gian tài chính chính thống, kết hợp với việc tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế Việt Nam, đã tạo ra những kẽ hở để các đối tượng xấu che giấu nguồn tiền bất hợp pháp.
Thứ tư, thiếu khung pháp lý. Hiện nay, Việt Nam chưa có khung pháp lý đầy đủ và rõ ràng để quản lý tài sản mã hóa và các sàn giao dịch. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc giám sát, mà còn khiến các sàn giao dịch không phép hoạt động tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.
Kinh nghiệm quốc tế
Ông Dương Đức Hùng chia sẻ, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả mà Việt Nam có thể học hỏi.
Theo đó, tại Mỹ, các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung như Coinbase, Kraken hay Gemini phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng.
Các sàn này bắt buộc thực hiện quy trình xác minh danh tính khách hàng (KYC), lưu trữ dữ liệu giao dịch trong ít nhất 5 năm và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính.
Tại Liên minh châu Âu (EU), EU đã thông qua Đạo luật thị trường tài sản mã hóa vào năm 2023, có hiệu lực từ năm 2024, yêu cầu tất cả các sàn giao dịch tài sản mã hóa hoạt động trong khu vực phải đăng ký với cơ quan quản lý tài chính của từng quốc gia thành viên.
Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức. Ảnh: Thanh Tuấn
Các sàn phải áp dụng quy trình KYC nghiêm ngặt, công khai danh tính pháp nhân và hợp tác chặt chẽ với Europol trong việc cung cấp dữ liệu giao dịch khi có yêu cầu. Những sàn không tuân thủ sẽ bị cấm hoạt động trong toàn khối EU.
Trong khi đó, Hàn Quốc có cách tiếp cận thực tế hơn khi ban hành Đạo luật báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính đặc thù vào năm 2021.
Cụ thể, tất cả các sàn giao dịch tài sản mã hóa phải đăng ký với Ủy ban Dịch vụ tài chính và thiết lập hệ thống giám sát giao dịch theo thời gian thực.
Các sàn cũng phải liên kết với một ngân hàng trong nước để quản lý tài khoản khách hàng, đảm bảo mọi giao dịch đều được ghi nhận và có thể truy vết.
Những kinh nghiệm này cho thấy, để quản lý hiệu quả các sàn giao dịch tài sản mã hóa, cần có sự kết hợp giữa khung pháp lý chặt chẽ, công nghệ giám sát tiên tiến và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật với các doanh nghiệp vận hành sàn”, Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố thông tin.
Giải pháp quản lý cho Việt Nam
Tại hội thảo, ông Dương Đức Hùng cũng đề xuất giải pháp quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam.
Một là, xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có bộ luật hoặc nghị định cụ thể để quản lý tài sản mã hóa và các sàn giao dịch.
Tôi đề xuất Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên quan, khẩn trương ban hành khung pháp lý đầy đủ”, ông Dương Đức Hùng nói.
Hai là, tăng cường phối hợp liên ngành. Để quản lý hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, các cơ quan quản lý tài chính, và các sàn giao dịch. Theo đó, cần thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện từ Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, để giám sát và chia sẻ thông tin về các giao dịch đáng ngờ…
Ba là, ứng dụng công nghệ giám sát tiên tiến. Công nghệ Blockchain, với tính minh bạch của sổ cái phân tán, có thể trở thành một công cụ hữu ích nếu được ứng dụng đúng cách.
Thiết lập một hệ thống giám sát tập trung do Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an vận hành, kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch để thu thập dữ liệu giao dịch và phân tích các mẫu hành vi bất thường”, Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố đề xuất.
Bốn là, nâng cao nhận thức cộng đồng. Một trong những lỗ hổng lớn nhất hiện nay là sự thiếu hiểu biết của người dân về rủi ro tài trợ khủng bố qua tiền mã hóa.
Phát hành các tài liệu hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như sổ tay hoặc video trực tuyến, để người dân hiểu rõ hơn về cách bảo vệ bản thân khỏi các âm mưu lợi dụng tiền mã hóa cho mục đích khủng bố”, ông Dương Đức Hùng chỉ ra.
Năm là, xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép. Hiện nay, vẫn còn tồn tại hàng chục sàn giao dịch tài sản mã hóa hoạt động không được cấp phép tại Việt Nam, từ các sàn quốc tế không đăng ký đến các nền tảng nội địa trá hình dưới dạng đầu tư đa cấp. Những sàn này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người dân mà còn là nguy cơ lớn cho an ninh quốc gia.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền”, ông Dương Đức Hùng đề nghị.
Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025.
Thanh Bình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tai-san-so-bung-no-khung-phap-ly-nao-de-kiem-soat-rui-ro-380295.html