'Tài sản số, trí tuệ nhân tạo' lần đầu tiên được đưa vào luật

'Tài sản số, trí tuệ nhân tạo' lần đầu tiên được đưa vào luật
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp
Tài sản số được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Trong đó, tài sản mã hóa là một loại tài sản số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý tài sản số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Dự thảo quy định theo hướng, giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.
Thẩm tra về quy định này, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật này là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong đó, cơ quan thẩm tra lưu ý, làm rõ một số nội dung về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường…
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, khái niệm tài sản số là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo luật này. Lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đưa vào văn bản pháp lý, nên cần thận trọng rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa vào luật và đảm bảo quy định đồng bộ trong các luật có liên quan.
"Lần đầu tiên chúng ta đưa những số khái niệm rất mới vào luật, như tài sản số, trí tuệ nhân tạo, tài sản mã hóa... Do đó, các khái niệm này cần được chuẩn hóa, đảm bảo cách hiểu xuyên suốt trong luật”, ông Trần Thanh Mẫn nêu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TT&TT tuyên truyền mạnh mẽ để khi luật ban hành, người dân có thể hiểu được. Đối với nhiều thuật ngữ mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cao, đề nghị có cách giải thích sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ giám sát...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, đây là lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đề cập trong đạo luật, nhưng nếu không đề cập, ghi nhận sẽ không được, vì đây là xu hướng của thế giới.
Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị phải làm rõ thêm nội hàm để đảm bảo tính đồng bộ, vì nội dung này gắn liền với bộ luật dân sự, nếu không sẽ dẫn đến cắt nối giữa tài sản số với quy định chung về tài sản. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất quy định về mặt nguyên tắc, vì bản thân thế giới cũng “đang mày mò”.
Góp ý tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực phức tạp, có nhiều rủi ro, do đó, quy định tại Chương 6 dự thảo chưa đủ mạnh mẽ cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo một cách trách nhiệm, có đạo đức.
"Cần chi tiết hóa các nguyên tắc đạo đức như công bằng, minh bạch, trách nhiệm, an toàn, bảo mật; xây dựng các cơ chế giám sát đạo đức", ông Cường nêu.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tai-san-so-tri-tue-nhan-tao-lan-dau-tien-duoc-dua-vao-luat-post1680332.tpo