Tại sao tên lửa MIRV 'phi hạt nhân' lại gây chấn động thế giới?

Tại sao tên lửa MIRV 'phi hạt nhân' lại gây chấn động thế giới?
5 giờ trướcBài gốc
Lực lượng không quân Ukraine tuyên bố vào ngày 21/11 rằng Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào thành phố Dnipro, miền Đông Ukraine. Ngay sau đó, các nguồn tin phương Tây cho rằng đây có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) thay vì ICBM.
Sau cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng xác nhận với truyền thông rằng loại tên lửa được sử dụng trong cuộc tấn công là một vũ khí hoàn toàn mới, một tên lửa siêu thanh tầm trung có tên gọi "Oreshnik".
MIRV: Tại sao MIRV nguy hiểm?
Cuộc tấn công đã dẫn đến một loạt tuyên bố và phản ứng từ các chuyên gia và quan chức, cho rằng đó có thể là mồi lửa cho sự leo thang nghiêm trọng, tiếp theo có thể là vũ khí hạt nhân.
Những đoạn video trên mạng xã hội cho thấy tên lửa chia tách thành sáu đầu đạn độc lập, khiến các nhà quan sát quân sự và chuyên gia hạt nhân đặc biệt quan ngại.
Đường đi MIRV của tên lửa Minuteman III của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên MIRV được sử dụng trong chiến đấu”.
Nhiều nhà phân tích quân sự nhận định rằng việc Nga triển khai loại tên lửa mới này là một lời cảnh báo mạnh mẽ.
MIRV thường được liên kết với các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, dù không mang đầu đạn hạt nhân, các đầu đạn tấn công Dnipro vẫn đặt ra thách thức lớn cho hệ thống phòng không Ukraine, ngay cả khi nước này từng tuyên bố bắn hạ nhiều tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Khác với tên lửa mang đầu đạn đơn, MIRV cho phép một tên lửa mang nhiều đầu đạn, mỗi đầu đạn có thể nhắm vào các mục tiêu khác nhau. MIRV có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ không gian dày đặc, áp đảo hệ thống phòng không của đối phương.
Từ quan điểm quân sự và kinh tế, MIRV làm giảm hiệu quả của các hệ thống phòng thủ vì để chặn một MIRV, cần sử dụng nhiều tên lửa phòng thủ, điều này vô cùng tốn kém.
Ngoài ra, bên tấn công có thể sử dụng các đầu đạn giả để đánh lừa, tăng khả năng các đầu đạn thật xuyên thủng phòng tuyến.
MIRV là công nghệ cực kỳ phức tạp, đòi hỏi tên lửa lớn, đầu đạn nhỏ, khả năng dẫn đường chính xác và cơ chế bắn đầu đạn tuần tự trong khi bay - tất cả đều là công nghệ tiên tiến.
MIRV và mối đe dọa hạt nhân
Nếu MIRV được trang bị đầu đạn hạt nhân, hậu quả sẽ rất thảm khốc. MIRV làm suy yếu khái niệm “Sự hủy diệt lẫn nhau được đảm bảo” ((Mutually Assured Destruction - MAD), vốn được xem là nền tảng ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân.
Với MIRV, khả năng tấn công phủ đầu trở nên khả thi hơn, làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột hạt nhân.
Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Kristensen và cộng sự Matt Korda đã viết trong một nghiên cứu rằng MIRV có thể trở thành vũ khí tấn công đầu tiên, dẫn đến tình trạng căng thẳng “sử dụng trước khi bị tiêu diệt”. Một cuộc tấn công phủ đầu bằng MIRV có thể làm tê liệt hoàn toàn khả năng phản công của đối phương.
Mỹ là quốc gia đầu tiên phát triển công nghệ MIRV, triển khai vào năm 1970. Sau đó, Liên Xô và nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ cũng phát triển công nghệ này. Pakistan tuyên bố tên lửa Ababeel của họ có khả năng mang MIRV, dù một số chuyên gia vẫn nghi ngờ tính xác thực. Triều Tiên cũng khẳng định đã thử nghiệm MIRV thành công, nhưng Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi.
Vào tháng 3/2024, Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa Agni-V với MIRV, gây lo ngại về khả năng tấn công phủ đầu.
MIRV là dấu hiệu của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Kristensen và Korda cảnh báo rằng việc nhiều quốc gia phát triển MIRV làm giảm sự ổn định toàn cầu, khuyến khích các lãnh đạo sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi xảy ra khủng hoảng.
Với lần đầu tiên MIRV được sử dụng trong chiến đấu, thế giới đã nhận được một lời nhắc nhở nghiêm trọng về nguy cơ từ loại vũ khí này.
Ngọc An
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/tai-sao-ten-lua-mirv-phi-hat-nhan-lai-gay-chan-dong-the-gioi-460469.html