Tại sao trầm cảm ở người già cần phát hiện sớm?

Tại sao trầm cảm ở người già cần phát hiện sớm?
6 giờ trướcBài gốc
Trầm cảm ở người già không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Việc phát hiện kịp thời, kết hợp điều trị tâm lý và y học sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần người cao tuổi.
Những tác nhân gây trầm cảm ở người già
Bà L (68 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) gần đây có biểu hiện ít nói, hay than phiền vì đau lưng, khó ngủ. Đôi khi, bà bị thức giấc lúc nửa đêm, không thể ngủ tiếp được, khiến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng. Gia đình đưa bà đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám thì biết bà L bị trầm cảm nặng. Sau một thời gian trị liệu tâm lý kết hợp với thuốc men, sức khỏe của bà cải thiện đáng kể.
Chị H (con gái bà L) chia sẻ: "Mẹ tôi luôn nói không sao mỗi khi con cái hỏi han sức khỏe. Ban đầu, cả gia đình chỉ nghĩ đó là dấu hiệu tuổi già. Nhưng khi bà bắt đầu bỏ bữa, từ chối gặp mặt bạn bè, có lúc còn nói không muốn sống nữa, gia đình mới nhận ra đó là dấu hiệu của trầm cảm. May mẹ tôi được chữa trị, nên tình trạng cải thiện hơn”, chị H nói.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu thăm hỏi người bệnh trầm cảm
Không may mắn như bà L, trường hợp bà N (70 tuổi, ở Hà Nội) sống một mình sau khi con cái đi làm xa. Từ ngày chồng mất, bà N suốt ngày thui thủi một mình trong nhà. Bà không ăn, không ngủ, không muốn gần gũi và nói chuyện với ai. Nhiều lúc thấy bà lặng lẽ nhìn ra cửa sổ thì mọi người nghĩ rằng bà đang buồn vì nhớ ông. Đến khi đi khám mới biết bà đang mắc chứng trầm cảm nặng. Lúc này việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương: Người già là đối tượng dễ mắc trầm cảm, đặc biệt khi đối mặt với các vấn đề như mất đi người thân, bệnh tật, cô đơn hoặc thay đổi môi trường sống. Người già thường bị bỏ lại phía sau khi mất kết nối với xã hội và gia đình. Mất người thân khiến người già cảm thấy trống trải, không còn mục đích sống. Sự cô đơn kéo dài là một trong những tác nhân lớn nhất gây trầm cảm.
Nhiều người già mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư không chỉ ảnh hưởng sức khỏe cơ thể mà còn bào mòn tinh thần. Nghiên cứu chỉ ra rằng, một số bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi như Alzheimer, Parkinson, đột quỵ, tiểu đường và suy tim không chỉ tàn phá cơ thể mà còn đang âm thầm mở cửa cho trầm cảm xâm nhập.
Cái giá phải trả nếu không điều trị kịp thời
“Trầm cảm ở người cao tuổi không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như suy giảm trí nhớ, tim mạch, đột quỵ và thậm chí là ung thư. Tuy nhiên, trầm cảm ở người già thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với những thay đổi tâm lý tự nhiên do tuổi tác. Thống kê cho thấy, người già là nhóm đối tượng có tỷ lệ tự tử do trầm cảm cao nhất nhưng lại ít được nhắc đến. Đáng lo ngại, nhiều người vẫn nhầm lẫn trầm cảm với sự lão hóa tự nhiên, là nỗi buồn tuổi già chứ không biết rằng nhiều người già còn âm thầm chịu đựng nỗi đau tinh thần, thậm chí cảm thấy cô đơn ngay trong ngôi nhà của chính mình”, BS Hồng Thu nhấn mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội)
“Trị liệu tâm lý kết hợp thuốc chống trầm cảm là phương pháp điều trị hiệu quả cho người già mắc trầm cảm. Hãy khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được bác sĩ đánh giá tình trạng và đưa ra phác đồ phù hợp, giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng sống”.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu
“Người già mắc trầm cảm thường mất hứng thú với mọi thứ, không còn muốn ăn uống, vệ sinh cá nhân. Từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng, nhiễm trùng và các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác. Một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất của trầm cảm là suy nghĩ tiêu cực và ý muốn tự sát - nhưng lại ít người nghĩ rằng người già có thể tự sát. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ tự sát ở người cao tuổi mắc trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác”, TS.BS Hồng Thu cảnh báo.
Việc phát hiện kịp thời, kết hợp điều trị tâm lý và y học sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần ở người cao tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận diện được các dấu hiệu trầm cảm, thậm chí, trầm cảm ở người già thường bị chẩn đoán sai thành sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, hoặc đơn giản là do “tuổi già khó tính”. Đây là một suy nghĩ nguy hiểm. Chưa kể, người già thường phải sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh mạn tính, khiến việc kê đơn thuốc chống trầm cảm trở nên phức tạp. Các tác dụng phụ có thể tăng nặng, gây khó khăn cho điều trị.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở người già
Trầm cảm ở người già thường bị che giấu dưới lớp vỏ của các vấn đề sức khỏe khác như đau nhức cơ thể, mất ngủ, giảm cân không rõ nguyên nhân. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trầm cảm ở người già thường đi kèm với các triệu chứng cơ thể hơn là tâm lý. Họ ít khi nói ra cảm xúc buồn chán, thay vào đó là những than phiền về sức khỏe cơ thể.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 15% người cao tuổi trên toàn cầu đang mắc trầm cảm. Ở Việt Nam, con số này có thể còn cao hơn do sự kỳ thị và thiếu quan tâm. Theo thống kê từ Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ tự tử ở người già cao gấp 3 lần so với người trẻ tuổi. Cứ 1 trong số 3 người cao tuổi mắc trầm cảm không hề nhận được hỗ trợ y tế.
Những dấu hiệu bất thường như khó ngủ, thức giấc sớm, hoặc ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi; Hoặc mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, không còn quan tâm đến gia đình, bạn bè, sở thích; Thay đổi khẩu vị và cân nặng mà không rõ lý do; Mệt mỏi kéo dài, cảm thấy không có sức lực ngay cả khi không làm gì; Khó tập trung, quên trước quên sau, không thể hoàn thành các công việc đơn giản; Tâm trạng bất ổn: Dễ nổi cáu, cáu gắt vô cớ, lo âu không rõ nguyên nhân; Ý nghĩ tự sát, suy nghĩ tiêu cực, cảm giác mình là gánh nặng cho gia đình.
Trầm cảm ở người già không phải là một phần tất yếu của tuổi tác. Đừng chỉ chú trọng vào bệnh cơ thể mà bỏ qua tâm lý người già. Hãy hỏi họ xem họ có cảm thấy buồn bã, lo lắng, mất hứng thú với cuộc sống không. “Nếu thấy cha mẹ hoặc người thân có những dấu hiệu bất thường thì đừng xem nhẹ. Đôi khi, chỉ một cuộc trò chuyện, một cái ôm, hay một lần đưa đi khám chuyên khoa có thể thay đổi cả cuộc đời họ. Các đợt thăm khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm trầm cảm mà còn giúp ngăn ngừa các biến chứng tâm lý nghiêm trọng về sau”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu nhắn nhủ.
Lưu Hường/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/tai-sao-tram-cam-o-nguoi-gia-can-phat-hien-som-post1199498.vov