Theo Heritage Daily, các nhà nghiên cứu từ Viện Khảo cổ học thuộc Đại học Nicolaus Copernicus ở Toruń (Ba Lan) đã tiến hành khám nghiệm ngôi mộ "ma cà rồng" và tái tạo ảo chân dung của người phụ nữ trong mộ.
Điều này đã giúp họ tìm ra nguyên nhân khiến bà bị chôn cất cùng 2 vật "phong ấn" đáng sợ.
Hài cốt trong ngôi mộ "ma cà rồng" với chiếc liềm nơi cổ - Ảnh: Đại học Nicolaus Copernicus ở Toruń
Kết quả giám định niên đại cho thấy ngôi mộ có từ thế kỷ thứ 17 và các vật phẩm trong mộ cũng như cách chôn cất cho thấy hài cốt thuộc về một người phụ nữ có địa vị cao thời bấy giờ.
Thế nhưng, bà đã phải an nghỉ với một chiếc liềm lớn đặt ngang cổ và một ổ khóa gắn vào ngón chân cái.
Chính các chi tiết này giúp các nhà khảo cổ lập luận rằng bà đã bị chôn cất như một "ma cà rồng" và các vật phẩm nói trên là để ngăn người chết sống dậy và tấn công mọi người.
Bộ hài cốt còn nguyên vẹn cũng giúp các nhà khoa học tái tạo lại chân dung người phụ nữ sống vào 4 thế kỷ trước, đồng thời khám ra nguyên nhân của cái chết.
Chân dung người phụ nữ xấu số ở Ba Lan - Ảnh: Đại học Nicolaus Copernicus ở Toruń
Bà chết khá trẻ và có thể đã phải mang một khối u ở vùng xương ức, gây ra cơn đau đáng kể và góp phần gây ra dị tật ở ngực.
Loại khối u này có thể đã góp phần gây ra tình trạng ngất xỉu thường xuyên, đau đầu dữ dội hoặc một căn bệnh tâm thần bệnh lý.
"Vào thế kỷ 17 khi bệnh tật và chiến tranh hoành hành khắp châu Âu, bầu không khí sợ hãi trong thế giới siêu nhiên có thể đã gắn mác cho bà là phù thủy hoặc bị ma quỷ ám ảnh" - các nhà khảo cổ cho biết.
Trong đó, văn hóa dân gian về ma cà rồng đã lan tràn trong các truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng của nhiều nhóm dân tộc châu Âu.
Chúng được mô tả là những bóng ma của những sinh vật xấu xa, nạn nhân tự tử, phù thủy, xác chết bị một linh hồn độc ác chiếm hữu hoặc nạn nhân của một cuộc tấn công của ma cà rồng khác.
Khá nhiều người chết vì các bệnh nan y hay bệnh dịch - khiến họ mắc các triệu chứng lạ - đã bị quy kết là ma cà rồng và bị chôn cất cùng những vật phong ấn đủ thể loại.
Theo Người lao động