“Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc điện thoại bất ngờ. Một người đàn ông nói tiếng Việt trôi chảy, tự xưng là người Pháp, gọi cho tôi và giới thiệu rằng đang gặp khó khăn tại hải quan Việt Nam”, bà M. mở đầu câu chuyện.
Người này nói: "Hiện tôi có một vali chứa khoảng 15 tỷ đồng đang bị giữ lại tại hải quan. Tôi không có người thân ở Việt Nam nên mới tìm đến chị. Nếu chị giúp tôi đóng khoản phí để giải quyết thủ tục, tôi hứa sẽ chia cho chị 1,5 tỷ đồng”.
Không chỉ bằng lời nói, đối tượng còn gửi hình ảnh chiếc vali chứa đầy tiền mặt, bên cạnh là một người mặc trang phục giống cán bộ hải quan Việt Nam, khiến bà M. càng thêm tin tưởng. Dù đang túng thiếu, bà vẫn chấp nhận vay nóng từ người thân, bạn bè để gom đủ số tiền chuyển cho "người lạ" với hy vọng đổi đời.
“Lúc đó, tôi cũng phân vân lắm, nói với chồng là phải vay tiền mới giúp được. Chồng tôi phản đối kịch liệt, nói rằng từng nghe người em họ kể về những vụ lừa đảo kiểu này. Nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ sắp có trong tay 1,5 tỷ, sao lại bỏ lỡ cơ hội?”.
Rồi điều gì đến cũng đến. Sau khi nhận được tiền, kẻ lạ mặt lập tức “biến mất”. Số điện thoại từng liên lạc trở nên vô hiệu. Bà M. sốt ruột gọi lại hàng chục lần, nhưng chỉ nghe tiếng tút dài lạnh lùng. Lúc này, bà mới bàng hoàng nhận ra mình bị lừa.
Không nên tin những cuộc gọi dẫn dụ của người lạ. Ảnh minh họa
“Như sét đánh ngang tai, tôi đau đớn, xấu hổ và tuyệt vọng. Nhưng nghĩ lại, tiền đã mất, rất khó lấy lại, nên tôi đành im lặng”, bà M. chia sẻ.
Hai năm đã trôi qua, nhưng hậu quả vẫn còn nguyên. Số tiền 200 triệu vay mượn để “chuyển khoản giúp đỡ” giờ vẫn là gánh nặng nợ nần. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân ở quê, thu nhập ít ỏi. Chồng bà lại đau ốm triền miên, khiến cuộc sống càng thêm bế tắc.
Dù trong lòng còn đầy day dứt, bà M. vẫn quyết định chia sẻ câu chuyện thật của mình như một lời cảnh tỉnh: “Không ai cho không mình món tiền lớn như vậy đâu. Họ chẳng phải người thân, mà lại hứa cho mình tiền tỷ? Cái gì dễ có thì cũng dễ mất. Tôi mong không ai phải trải qua nỗi khổ như tôi”.
Câu chuyện của bà M. không phải là cá biệt. Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ và mong muốn đổi đời của nhiều người dân lương thiện.
Hãy tỉnh táo trước những lời hứa “ngon ngọt”, bởi đằng sau đó có thể là cái bẫy đau đớn – không chỉ mất tiền, mà còn kéo theo những năm tháng khốn khó để trả giá.
Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) khuyến cáo:
Người dân cần tuân thủ và thực hiện Quy tắc “6 không” để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm lừa đảo nói chung và tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng:
1. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
2. Không kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
3. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
4. Không cán bộ cơ quan Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin hay đóng tiền.
5. Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
6. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”.
Tiến Dũng