Tâm điểm của cuộc tranh giành quyền lực giữa các tỷ phú và giới tinh hoa tài chính Italy

Tâm điểm của cuộc tranh giành quyền lực giữa các tỷ phú và giới tinh hoa tài chính Italy
6 giờ trướcBài gốc
Công ty bảo hiểm Generali có lịch sử từ thế kỷ 19 tại Trieste, Italy. Ảnh: Getty Images.
Theo tờ Politico, từ ngày 24/4, các cổ đông lớn của Generali, bao gồm những nhân vật quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính Italy, đã tiến hành một cuộc đối đầu quyết liệt nhằm định đoạt tương lai ban lãnh đạo công ty, trong đó có vị trí của Tổng giám đốc Philippe Donnet. Kết quả, ông Donnet giành được 52% phiếu ủng hộ để tiếp tục nhiệm kỳ ba năm, song giới quan sát nhận định đây mới chỉ là bước mở đầu cho cuộc chiến quyền lực còn kéo dài.
Trong nhiều năm qua, chính phủ Italy tỏ ra không hài lòng với định hướng điều hành của ông Donnet tại Generali, đặc biệt sau khi ông đề xuất kế hoạch sáp nhập mảng quản lý tài sản của tập đoàn với một công ty Pháp. Động thái này làm dấy lên lo ngại về việc ảnh hưởng của Pháp có thể làm suy giảm cam kết đầu tư trong nước của Generali, nhất là khi Italy đang đối mặt với áp lực lớn về nợ công.
Tuy nhiên, chính phủ Italy không nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với Generali, khiến cuộc tranh giành ảnh hưởng trở nên phức tạp hơn. Hai lực lượng chính hiện đang đối đầu là ngân hàng đầu tư Mediobanca, đơn vị nắm giữ 13,1% cổ phần và ủng hộ ông Donnet, đối đầu với hai gia tộc tỷ phú: ông Francesco Gaetano Caltagirone và tập đoàn Delfin của gia đình cố tỷ phú Leonardo Del Vecchio, hiện kiểm soát khoảng 17% cổ phần Generali.
Dù nỗ lực đưa sáu ứng viên vào hội đồng quản trị của phe tỷ phú thất bại, họ vẫn nắm trong tay những lá bài chiến lược khác. Cả ông Caltagirone và Delfin được cho là đang liên kết với chính phủ nhằm giành quyền kiểm soát Mediobanca thông qua ngân hàng Monte dei Paschi di Siena, tổ chức tài chính do nhà nước nắm giữ một phần lớn cổ phần. Nếu thành công, điều này sẽ làm lung lay ảnh hưởng của Mediobanca tại Generali.
Giới chuyên gia nhận định, kết quả cuộc đối đầu sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính Italy. Nếu Mediobanca trụ vững trước áp lực từ Rome, đây sẽ là chiến thắng cho thị trường tài chính tự do. Ngược lại, nếu phe tỷ phú thắng thế, nó có thể chấm dứt tình trạng bất ổn liên quan đến hàng tỷ euro tiền tiết kiệm của người dân Italy, song cũng làm gia tăng lo ngại về sự can thiệp quá mức của chính phủ, điều mà cả Brussels cũng đang theo dõi chặt chẽ.
Ông Francesco Galietti, cựu quan chức Bộ Tài chính Italy, nhận định có sự "bất đồng hoàn toàn" giữa nhà đầu tư trong nước và quốc tế, khi nhà đầu tư quốc tế ưu tiên các tiêu chí thị trường như cổ tức, trong khi nhà đầu tư trong nước lại mang nặng yếu tố chính trị.
Trong bối cảnh này, hai ngân hàng lớn nhất Italy là UniCredit và Intesa Sanpaolo đang âm thầm theo dõi tình hình. UniCredit, có trụ sở tại Milan, đã mua 5% cổ phần Generali hồi tháng 2 và bỏ phiếu ủng hộ phe ông Caltagirone trong cuộc họp cổ đông, làm dấy lên đồn đoán về sự nhượng bộ với chính phủ nhằm thuận lợi cho thương vụ mua lại khác. Trong khi đó, Intesa Sanpaolo, có trụ sở tại Turin, đang giữ vị thế thận trọng dù từng có ý định thâu tóm Generali năm 2017.
Một cuộc chiến "lạnh" giữa các tổ chức tài chính hàng đầu đang được dự báo, khi các bên tìm cách ngăn chặn đối phương gia tăng ảnh hưởng đối với Generali. Theo một giám đốc ngân hàng Italy, việc Generali trở thành "quân cờ" trong cuộc chơi quyền lực hiện nay không phải là chủ đích ban đầu của chính phủ Rome, mà là hệ quả tất yếu từ những toan tính kéo dài.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tam-diem-cua-cuoc-tranh-gianh-quyen-luc-giua-cac-ty-phu-va-gioi-tinh-hoa-tai-chinh-italy-20250428115044317.htm