Du khách ngắm TP Đà Nẵng từ trên cao thông qua bộ môn dù lượn. Ảnh: DLMT.
Sáng ngày 9/7, ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân chi tiết vụ việc nam du khách tử nạn khi tham gia bộ môn dù lượn tại núi Sơn Trà. Đồng thời đơn vị sẽ đưa ra thông báo tạm ngừng sản phẩm này trong thời gian tới.
Mục đích là rà soát toàn bộ quá trình khai thác dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn bay cũng như hoạt động kinh doanh của các công ty triển khai mô hình du lịch trên.
Trước đó, chiều ngày 8/7, ông H.Q.T (36 tuổi, ngụ TP.HCM) bị rơi xuống rừng tại Đà Nẵng khi trải nghiệm bộ môn dù lượn dưới sự dẫn dắt của phi công L.M.P (41 tuổi).
Nam du khách được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong tại khu vực bãi Nam thuộc bán đảo Sơn Trà, gần resort Biển Đông vào lúc 19h25. Người cầm lái cũng bị thương và đưa đến bệnh viện ngay sau đó.
Công ty TNHH MTV & DV Tropical Forest (đơn vị khai thác dịch vụ dù lượn) chịu trách nhiệm đưa nạn nhân về TP.HCM và lo hậu sự, thông tin từ Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng.
Hiện, ngoài đơn vị trên, 4 cơ sở khác được cấp phép phục vụ du khách bộ môn dù lượn không động cơ tại bãi dù lượn Sơn Trà gồm Công ty TNHH Du lịch Dù lượn Miền Trung, Công ty TNHH Đà Nẵng Bay, Công ty Cổ phần Dù lượn Đà Nẵng và Công ty TNHH Lữ Hành Tâm Phát.
Dù lượn là bộ môn thể thao mạo hiểm, sản phẩm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng. Du khách sẽ chi khoảng 1,8 triệu đồng/người/lượt/15-20 phút để ngắm các địa danh từ trên cao như chùa Linh Ứng, tượng Phật Bà Quan Âm, biển Mỹ Khê, đèo Hải Vân...
Theo quy định, chuyến bay dù lượn phải kết thúc trước 17h hàng ngày. Đơn vị triển khai dịch vụ phải tính toán kỹ hướng gió, tình hình thời tiết khi quyết định cho du khách bay.
Ông Thao cho biết địa phương cũng khuyến cáo các công ty không nên cho du khách bay sau khung giờ quy định tại bán đảo Sơn Trà. Song vẫn có một số trường hợp đơn vị cho phép bay phục vụ nhu cầu ngắm thành phố về đêm của du khách.
Tường Vi