Ở tuổi ngoài 60, khi nhiều người chọn an hưởng tuổi già bên con cháu thì những “lão nông” trong Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam (xã Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) lại lặng lẽ cống hiến sức mình cho cộng đồng. Các “lão nông” vẫn ngày ngày nhiệt tình dựng nên những tổ ấm cho người nghèo. Mỗi căn nhà tuy giản dị nhưng chứa đựng nghĩa tình sâu nặng, không chỉ giúp người dân khó khăn thực hiện ước mơ “an cư lạc nghiệp” mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sẻ chia, nhân ái trong xã hội.
Thành viên Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam (xã Thanh Bình) chuẩn bị gỗ cất nhà tình thương cho hộ nghèo
Chung một tấm lòng thiện nguyện
Dưới cái nắng nóng giữa trưa những ngày tháng 6 âm lịch năm 2025, ông Nguyễn Văn Hồng (78 tuổi) - Tổ phó Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam không quản vất vả, cực nhọc chạy xe gắn máy chở ông Nguyễn Văn Quang (80 tuổi) - Tổ trưởng Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam đi khảo sát, gặp gỡ các hộ dân còn khó khăn về nhà ở hoặc cần sửa chữa nhà để hỗ trợ.
Dừng chân ở quán nước ven đường, ông Nguyễn Văn Quang kể, năm 2000, nhận thấy trên địa bàn ấp còn nhiều hộ dân gặp khó khăn về nhà ở nên ông cùng một vài anh em ở xóm có chung tấm lòng thiện nguyện tham gia thành lập nhóm để đi sửa chữa, cất nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thời điểm đó, nhà do nhóm ông Quang cất rất thô sơ, chủ yếu bằng cây tạp, mái lợp lá, vách ván. Nhân công làm thì ít, mỗi lần cất nhà phải đi kiếm cây làm khung, chỗ làm mộc cũng chật hẹp, chủ yếu ở đậu nhà người dân nên gặp rất nhiều khó khăn.
Đến năm 2009, nhận thấy hoạt động của Tổ có hiệu quả, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình trước đây đã thành lập Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (nay là xã Thanh Bình). Từ khi được thành lập đến nay, Tổ bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn, số lượng thành viên tham gia nhiều hơn. Không chỉ có các “lão nông” lớn tuổi mà còn có thanh niên tham gia. Đến nay, Tổ có 18 thành viên, mỗi thành viên tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng/năm làm nguồn quỹ để có nguồn kinh phí mua cây, vật liệu xây dựng nhà. Đồng thời, các thành viên trong Tổ vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng nhà cho người dân.
Để cất một căn nhà tình thương, các thành viên trong Tổ phải thực hiện nhiều công đoạn như: mua cây, đốn cây, vận chuyển cây về, cưa, bào, đục, thiết kế cột, kèo làm khung nhà, dựng nhà. Các công đoạn khá vất vả, nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm như nguy cơ bị va đập, trầy xước hoặc dập tay, chân... Tuy nhiên, với tấm lòng sẻ chia với người nghèo, các thành viên trong Tổ không quản nắng mưa, mệt nhọc, mỗi người đảm nhận một công đoạn và phối hợp cùng nhau rất nhịp nhàng.
Có mặt tại điểm cưa cây của Tổ đặt tại nhà ông Nguyễn Văn Tiệp (70 tuổi, thành viên Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam) vào sáng một ngày cuối tuần của tháng 6 âm lịch năm 2025, chúng tôi thấy hơn 10 thành viên của Tổ đang tất bật chuẩn bị vật liệu để xây dựng nhà cho người nghèo. Người thì nổ máy cưa, người thì bưng bê các khúc gỗ đưa vào máy để cưa làm cột, kèo nhà. Với tinh thần “Tương thân tương ái”, ai nấy làm việc rất nhiệt tình.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn (63 tuổi) ngụ ấp Nam, xã Thanh Bình, chia sẻ: “Tôi tham gia vào Tổ ngót nghét 10 năm. Công việc của tôi là cùng anh em đi đốn cây, cưa cây, rồi đến ngày dựng nhà thì phụ đưa tôn lên lợp và chỉ dẫn các em bắn tôn. Công việc cất nhà tình thương cũng vất vả, nhất là những lần đi đốn cây hoặc cưa cây phải đối mặt với nguy cơ bị trầy xước, dập tay, chân. Tuy nhiên, mỗi khi dựng xong một mái nhà, nhìn thấy chủ nhà mừng vui đến nỗi rơi nước mắt là khóe mắt tôi cũng cay cay, vui lây với người dân, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Đó là động lực để tôi tham gia hoạt động cất nhà tình thương đến ngày nay”.
Không chỉ góp sức, nhiều thành viên còn hỗ trợ mặt bằng cho Tổ làm khung nhà, lo cơm, nước cho các thành viên mỗi khi đi đốn cây về. Ông Nguyễn Văn Tiệp - thành viên Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam, bộc bạch: “Ngày trước, cuộc sống gia đình tôi cũng rất khó khăn, ở trong ngôi nhà xiêu vẹo. Mỗi lần giông bão là tôi nơm nớp lo sợ nhà sập nên tôi rất thấu hiểu, chia sẻ với những hộ gặp khó khăn về nhà ở. Sau này, khi kinh tế gia đình ổn định, tôi tham gia vào Tổ để giúp người nghèo. Ngoài góp công, tôi cho Tổ mượn chỗ đặt máy cưa cây và nơi làm mộc. thỉnh thoảng, tôi còn nấu cơm, nước cho các anh em cùng ăn những lúc đi dựng nhà về. Tham gia cất nhà tình thương, bên cạnh giúp đỡ cho người nghèo, tôi và các anh em còn có thêm niềm vui tinh thần lúc tuổi xế chiều. Tôi hy vọng, mình sẽ có nhiều sức khỏe để tiếp tục làm việc nghĩa, giúp người nghèo có được mái ấm vững chắc, an tâm sinh sống”.
Nhờ sự hỗ trợ của Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam, gia đình bà Phan Thị Thanh (ngụ ấp Nam, xã Thanh Bình) yên tâm sinh sống trong ngôi nhà mới
Dựng xây mái ấm cho người nghèo
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Tổ trưởng Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam, từ khi được thành lập đến nay, Tổ luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương; một số thành viên trong Tổ ngoài góp công còn góp của. Nhiều mạnh thường quân trong, ngoài xã và ở TP Hồ Chí Minh còn cho tôn lợp nhà, giúp việc cất nhà của Tổ được thuận lợi hơn. Hiện nay, khi nắm được thông tin có hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ, đại diện thành viên của Tổ phối hợp với chính quyền địa phương xác minh hoàn cảnh của người dân, vị trí xây dựng nhà, rồi thực hiện hỗ trợ cất nhà. Tổ thực hiện hỗ trợ nhà với khung bằng gỗ bạch đàn, vách tôn, mái lợp tôn, có chiều dài 8m, ngang 4m, trị giá khoảng 25 - 40 triệu đồng/căn. Từ năm 2016 đến nay, Tổ đã cất mới trên 457 căn nhà tình thương, đóng góp hơn 1.000 ngày công lao động, với tổng trị giá trên 6,8 tỷ đồng.
Mùa mưa năm nay, vợ chồng bà Phan Thị Thanh (64 tuổi, ngụ ấp Nam, xã Thanh Bình) không còn chịu cảnh sống trong căn nhà tạm bợ, mưa dột. Ngồi trong căn nhà mới cất, bà Thanh kể, trước đây, vợ chồng bà sinh sống bằng nghề làm thuê chỉ đủ trang trải qua ngày. 3 năm nay, chồng của bà Thanh phát bệnh tâm thần, bà thì bị bệnh thần kinh tọa nên không còn khả năng lao động. Cuộc sống của vợ chồng bà trông chờ vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân. Căn nhà bằng gỗ tạp của gia đình ở nhiều năm qua đã bị hư hỏng nặng nhưng không có khả năng cất mới.
Bà Phan Thị Thanh bộc bạch: “Nhờ có mấy chú trong Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam hỗ trợ cất nhà nên tôi có được căn nhà mới. Căn nhà có diện tích 32m2 bằng khung gỗ bạch đàn, mái lợp tôn, vách tôn. Có được căn nhà mới, vợ chồng tôi mừng lắm vì từ nay đã có nơi sinh sống lúc tuổi già”. Niềm vui an cư cũng đã đến với gia đình chị Trần Thị Cẩm Giang (35 tuổi, ngụ ấp Nam, xã Thanh Bình) khi được Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam hỗ trợ xây căn nhà tình thương. Không giấu được niềm xúc động, chị Giang nói: “Tôi đi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập chỉ đủ trang trải và gửi về cho mẹ nuôi 2 con nhỏ nên chưa dám mơ ước đến việc cất được ngôi nhà. Nhờ sự giúp đỡ của các chú trong Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam, các con tôi có được nơi ở ổn định, tôi mừng lắm. Căn nhà mới còn là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu làm việc, lo cho tương lai của các con”.
Đây là 2 trong số hàng trăm hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam hỗ trợ nhà. Các thành viên trong Tổ đã và đang âm thầm đi xây dựng tổ ấm cho người nghèo. Những mái nhà nghĩa tình này không chỉ giúp người dân nghèo được an cư mà còn là điểm tựa, tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho họ vươn lên trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Quang - Tổ trưởng Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam, cho biết thêm: “Hiện nay, Tổ chủ yếu cất nhà tình thương bằng gỗ bạch đàn, mái lợp tôn, nền nhà thì do chủ nhà chuẩn bị sẵn. Hộ nào có kinh phí đối ứng thêm thì căn nhà sẽ tươm tất, khang trang hơn. Trong thời gian tới, Tổ tiếp tục hỗ trợ cất nhà cho người dân còn khó khăn về nhà ở, giúp người dân có nơi ở ổn định, an tâm làm ăn sinh sống”.
Với những nghĩa cử cao đẹp của Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam trong thời gian qua, Tổ đã nhiều lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thanh Bình, đặc biệt là vừa qua Tổ được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2025.
MỸ XUYÊN