Thượng nghị sĩ Marco Rubio phát biểu tại một sự kiện ở Washington DC, ngày 29/3/2022. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Với nền tảng chính trị vững chắc và những quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại, ông Rubio được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi quyết liệt trong vai trò mới. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Nga, và Trung Đông dự kiến sẽ được ông Rubio đặt lên hàng đầu, phù hợp với quan điểm chính trị kiên định của ông về việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ và giữ vững vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington.
Quá trình hoạt động chính trị
Marco Rubio (Marco Antonio Rubio) sinh ngày 28/5/1971 tại Miami (Florida) trong một gia đình người Cuba nhập cư. Sau khi tốt nghiệp Đại học Florida năm 1993, Rubio học luật tại Đại học Miami. Trong thời gian đó, ông làm việc cho Ileana Ros-Lehtinen, một đảng viên Cộng hòa và là người phụ nữ gốc Latinh đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ. Sau khi lấy bằng luật năm 1996, ông là thành viên của Ủy ban Thành phố West Miami một nhiệm kỳ rồi được bầu vào Hạ viện Florida trong một cuộc bầu cử đặc biệt năm 1999.
Cuộc sống cá nhân
Khi còn trẻ, ông Rubio đã gặp người vợ tương lai của mình, Jeanette Dousdebes. Cặp đôi kết hôn năm 1998 và có bốn người con. Ông đã viết hồi ký "An American Son" (2012) và một cuốn sách về chính sách tên là "American Dreams: Restoring Economic Opportunity for Everyone" (2015).
Nhiệm kỳ đầu tiên tại Thượng viện
Năm 2009, ông Rubio ra tranh cử vào ghế Thượng viện Mỹ bị bỏ trống sau khi thượng nghị sĩ Mel Martinez từ chức. Trong phần lớn chiến dịch của mình, ông chỉ đứng sau Thống đốc đảng Cộng hòa đương nhiệm, Charlie Crist, cho đến khi ông Crist tách khỏi đảng Cộng hòa và tuyên bố mình là người độc lập. Ông Rubio do đó đã nhận được sự ủng hộ chính thức của đảng và ông đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2010 với tỷ lệ cách biệt lớn.
Sau khi vào Thượng viện năm 2011, ông Rubio có lập trường bảo thủ nói chung và ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo của Phong trào Tea Party (Phong trào Tiệc trà kêu gọi giảm nợ công quốc gia và ngân sách liên bang bằng cách giảm chi phí và thuế má. Phong trào này được coi là một phần chủ nghĩa bảo thủ, một phần chủ nghĩa tự do cá nhân, và một phần chủ nghĩa dân túy).
Ông phản đối kiểm soát súng, Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Giá cả phải chăng (PPACA), hôn nhân đồng giới, hạn chế biến đổi khí hậu và các nỗ lực khác được dảng Dân chủ ủng hộ. Tuy nhiên, ông đã bất đồng quan điểm với nhiều người trong đảng của mình khi giúp soạn thảo luật nhập cư (năm 2013) để mở ra con đường trở thành công dân cho những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đáp ứng một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại. Trong quan hệ đối ngoại, ông thường lập luận ủng hộ chính sách can thiệp và phản đối các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Ông Rubio và tổng thống đắc cử Trump tại một sự kiện vận động tranh cử. Ảnh: benefitnews
Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016
Vào tháng 4/2015, Rubio tuyên bố rằng ông sẽ tham gia cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nền tảng chiến dịch của ông nhấn mạnh vào ngân sách cân bằng, bãi bỏ PPACA, cải cách thuế và tăng cường an ninh biên giới. Sau khi mùa bầu cử sơ bộ bắt đầu vào tháng 2/2016, ông Rubio nổi lên như ứng cử viên được giới lãnh đạo đảng Cộng hòa ưa thích.
Tuy nhiên, ông chỉ giành được ủng hộ ở một tiểu bang, kém ông Donald Trump và ông Ted Cruz về số lượng đại biểu. Chiến dịch của ông Rubio gặp khó khăn. Ông và ông Trump cũng thường xuyên chỉ trích nhau. Sau khi thua cuộc bầu cử sơ bộ ở Florida vào giữa tháng 3, ông Rubio đã ngừng chiến dịch của mình.
Ông Rubio đã sẵn sàng rời bỏ chính trường nhưng cuối cùng quyết định tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Ông tái gia nhập cuộc đua vào Thượng viện năm 2016 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông Trump cũng giành chiến thắng và ông đảm nhiệm chức tổng thống vào năm 2017. Cảm nhận được sự thay đổi trong đảng của mình, ông Rubio bắt đầu chuyển thành một người theo chủ nghĩa dân túy bảo thủ. Ông trở thành người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump khi đó và hai người đã phát triển mối quan hệ làm việc chặt chẽ.
Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà ông Joe Biden giành chiến thắng, ông Rubio đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố của ông Trump về gian lận bầu cử trên diện rộng, mặc dù thiếu bằng chứng. Tuy nhiên, sau vụ tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, ông đã bỏ phiếu để chứng nhận kết quả bầu cử.
Năm 2022, ông Rubio dễ dàng đắc cử nhiệm kỳ thứ ba tại Thượng viện. Ngay sau đó, ông Trump tham gia cuộc đua giành chức tổng thống năm 2024 và ông Rubio nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng. Trong thời gian này, lập trường của ông về một số vấn đề đã thay đổi để phù hợp với ông Trump. Đáng chú ý là mặc dù trước đây ông đã ủng hộ lệnh cấm phá thai của liên bang, nhưng vào tháng 7/2024, ông Rubio đã ủng hộ một thay đổi trong cương lĩnh của đảng Cộng hòa để phản ánh quan điểm của ông Trump rằng phá thai nên được để cho các tiểu bang quyết định.
Đến nay, ông Rubio đã gắn bó với Thượng viện Mỹ gần 15 năm và là một tiếng nói quan trọng của đảng Cộng hòa về các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại.
Quan điểm đối ngoại
Với vai trò lãnh đạo trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Rubio đã dành nhiều năm để nghiên cứu và phát biểu về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh. Ông Rubio là một trong những người mạnh mẽ nhất tại Quốc hội kêu gọi Mỹ phải có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Quan hệ Mỹ - Nga cũng là một trong những lĩnh vực mà ông Rubio đặc biệt quan tâm. Ông có quan điểm rất cứng rắn với Điện Kremlin, thể hiện qua việc liên tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga. Ông chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Rubio là một trong những người đầu tiên lên tiếng chỉ trích Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời ủng hộ các biện pháp viện trợ quân sự cho Kiev.
Việc đề cử ông Rubio làm Ngoại trưởng Mỹ báo hiệu khả năng Mỹ sẽ duy trì và thậm chí tăng cường sức ép đối với Nga trong thời gian tới.
Ông Rubio có lập trường thân Israel, ủng hộ các chính sách bảo vệ lợi ích của đồng minh quan trọng này tại Trung Đông. Ông đã lên tiếng ủng hộ các hành động của Israel ở Gaza và nhấn mạnh rằng Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Israel để bảo đảm an ninh khu vực. Ông Rubio cũng là người phản đối mạnh mẽ chính sách tiếp cận hòa giải với Iran của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt là liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA). Ông cho rằng thỏa thuận này không ngăn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân và chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Ông Rubio đã nhiều lần kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn đối với Iran nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Tehran tại Trung Đông. Nếu đảm nhận vai trò Ngoại trưởng, ông Rubio có thể sẽ thúc đẩy các chính sách quyết liệt hơn nhằm vào Iran và tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ với các đồng minh Arab.
Việc ông Trump đề cử của ông Rubio vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ hứa hẹn mang đến một chiến lược đối ngoại rõ ràng, với các ưu tiên cứng rắn trong việc đối phó với Trung Quốc và Nga, đồng thời củng cố các mối quan hệ chiến lược tại Trung Đông. Ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của Mỹ và duy trì ổn định toàn cầu, nhất là khi các xung đột tại những khu vực này đang có xu hướng phức tạp hơn.
Với phong cách lãnh đạo kiên định và quyết liệt, ông Marco Rubio sẽ phải nỗ lực để không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn khẳng định vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo britannica, Senate, benefitnews)