Tầm nhìn từ chiến lược phát triển ngành công nghiệp nghìn tỷ USD

Tầm nhìn từ chiến lược phát triển ngành công nghiệp nghìn tỷ USD
3 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 – ngành công nghiệp dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam - Ảnh: VGP/HM
Quyết tâm chính trị ở mức cao nhất
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng và hoan nghênh khi Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Dưới góc độ tiếp cận của cộng đồng doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, Chiến lược về phát triển bán dẫn Việt Nam được ban hành trong bối cảnh tất cả các quốc gia đều chạy đua về chip và các cường quốc lớn đều đã có những đạo luật về chip.
Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã có chiến lược phát triển chip và có những chiến lược rõ ràng thu hút đầu tư về chip bán dẫn. Các quốc gia cùng khu vực với Việt Nam như Malaysia, Đài Loan cũng đã có chiến lược thu hút đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn rất rõ ràng.
Chính vì vậy, đây là thời điểm hết sức thích hợp để Việt Nam có chiến lược bán dẫn tương thích, góp phần làm cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ sở cất cánh.
Cũng theo bà Hương, Chiến lược này đã đề ra các lộ trình rõ ràng và đưa ra một công thức mang tính logic cao, khoa học mà chưa có chiến lược phát triển nào có trước đó.
Công thức đó là C = Set + 1. Trong đó, C là chip bán dẫn. Set+1: S là semiconductor (chip chuyên dụng); e: electronics (công nghiệp điện tử); +1 là nguồn nhân lực (Talent).
Ba yếu tố này đóng góp nên nền công nghiệp chip và tham vọng thể hiện qua +1, có nghĩa là Việt Nam là 1 điểm đến không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn. Rõ ràng với công thức này, khi chúng ta thực hiện được, chúng ta sẽ trở thành cường quốc về bán dẫn.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng đánh giá, Chiến lược này sẽ mang lại các lợi ích sâu sắc và lâu dài cho ngành công nghiệp bán dẫn điện tử, vừa là đầu ra của ngành công nghiệp chip bán dẫn, vừa góp phần đảm bảo tự chủ và tự cường cho một quốc gia tham vọng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Admin cộng đồng vi mạch Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Yên, Admin cộng đồng vi mạch Việt Nam cũng khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất.
Quyết tâm chính trị cùng với một tầm nhìn đủ dài này sẽ là cơ sở quan trọng đảm bảo cho việc có thể huy động tối đa tất cả các nguồn lực quốc gia trong các chương trình hành động cụ thể, nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ông Yên dẫn chứng, ngày nay rất khó để tìm thiết bị không chứa linh kiện bán dẫn, các tiến bộ khoa học công nghệ mà chúng ta đang và sẽ chứng kiến đều không thể hiện thực hóa được nếu thiếu những con chip. Chip đang đóng vai trò là một nguồn "tài nguyên" đảm bảo cho công nghiệp điện tử, nền kinh tế số phát triển.
Vì vậy, việc ban hành Chiến lược phát triển ngành bán dẫn quốc gia tại thời điểm này là rất kịp thời trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trải qua những biến động rất lớn và cũng đang ở trước ngưỡng cửa của những khúc cua mang tính lịch sử.
Đi cùng những sự thay đổi này cũng đem đến những cơ hội rất lớn mà chúng ta chưa bao giờ gặp. Trở thành một phần trong chuỗi cung ứng bán dẫn gần như là lựa chọn bắt buộc cho bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn vươn lên phát triển bền vững thông qua phát triển kinh tế số.
"Điểm nổi bật của Chiến lược là đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể, hoàn toàn có thể đo được. Các nhiệm vụ giải pháp cũng minh bạch, ai là người làm, phối hợp với ai và thời hạn khi nào hoàn thành.
Việc này chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhìn rõ và định lượng được tính hiệu quả của mỗi chương trình, nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp cũng như điều chỉnh cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đề ra", ông Nguyễn Thanh Yên nhận định.
Chip đang đóng vai trò là nguồn "tài nguyên" đảm bảo cho nền kinh tế số phát triển
Ngành công nghiệp sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT, trong những năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023 tổng doanh thu ước đạt của ngành này là 529 tỷ USD.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành như: công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.
Gần đây, các quốc gia lớn có sự cạnh tranh gay gắt, dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược bán dẫn theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung với mô hình "X+1", không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn.
Việt Nam có quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn nên có thể là một trong ít nước "+1" này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
Ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được ban hành trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa vô cùng to lớn với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Khẳng định mong muốn thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trước tiên, Chiến lược khẳng định vị thế của ngành bán dẫn. Chiến lược cho thấy tầm quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đặt vào ngành công nghiệp bán dẫn, khẳng định đây là một ngành công nghiệp nền tảng và mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo động lực để phát triển công nghệ nội địa, khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ của Việt Nam.
Thứ hai, Chiến lược định hướng rõ ràng cho phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử thế hệ mới (chip AI) thông qua một lộ trình phát triển cụ thể, với các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có định hướng rõ ràng trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử Việt Nam.
Thông qua việc đưa ra chiến lược dài hạn, Việt Nam khẳng định mong muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn.
Thứ ba, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử: Chiến lược đề ra giải pháp xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tận dụng cơ hội của xu thế chuyển dịch đầu tư và điều chỉnh chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của các cường quốc về bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm bán dẫn, đặc biệt là khi các công ty quốc tế tìm kiếm các nguồn cung ứng ổn định và đa dạng.
Thứ tư, nâng cao năng lực nền tảng phát triển công nghiệp bán dẫn: Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cao, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn, giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc nắm bắt các công nghệ mới.
Thứ năm, tăng cường sự bền vững và an ninh kinh tế: Sự phát triển của ngành bán dẫn giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ về kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, từ đó góp phần bảo đảm an ninh kinh tế trong dài hạn.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, những mục tiêu trong Chiến lược phát triển bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 rất rõ ràng và có tính tham vọng. Tuy nhiên, nếu không có tham vọng thì Việt Nam mãi mãi đứng bên ngoài "cuộc chơi" này mà chúng ta không thực sự đặt chân vào "cuộc chơi".
Chiến lược đã có, với tinh thần đoàn kết một lòng, chỉ bàn làm không bàn lùi cùng với quyết tâm chính trị cao nhất, Việt Nam sẽ "khai phá" thành công ngành công nghiệp nghìn tỷ USD.
Hiền Minh
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/tam-nhin-tu-chien-luoc-phat-trien-nganh-cong-nghiep-nghin-ty-usd-102241001162031388.htm