Sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Một trong những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm đó là dự thảo Luật giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định hiện hành. Theo đó, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đều có tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), trừ các trường hợp đặc biệt do Quốc hội quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là phân định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bộ trưởng cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Luật là xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập trong các luật chuyên ngành để đảm bảo thực hiện hiệu quả cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa Trung ương và địa phương.
"Chúng tôi đề xuất theo hướng đó là sửa đổi căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mang tính ổn định trước mắt để chúng ta bảo đảm được vận hành thông suốt của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng dẫn chứng hiện có 177/259 luật chuyên ngành quy định chi tiết về thẩm quyền của Bộ trưởng, 152 luật quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, 141 luật đề cập thẩm quyền của HĐND, UBND, 92 luật có nội dung chồng chéo giữa các cấp chính quyền. Nếu không có cơ chế pháp lý rõ ràng để tháo gỡ những bất cập này, việc thực hiện phân quyền và phân cấp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sẽ tiếp tục kế thừa và điều chỉnh để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND, đảm bảo trách nhiệm rõ ràng giữa cá nhân và tập thể, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước. Chính quyền địa phương sẽ cần ban hành các quy chế cụ thể để triển khai hiệu quả các quy định mới.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành để tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị.
"Nếu không tạm thời giữ nguyên sẽ có sự hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.
Trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương.
Về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân cấp, ủy quyền làm sao đảm bảo để địa phương thật sự chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo được nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, cơ quan soạn thảo đã cố gắng thiết kế, về mặt tổng thể đã thể hiện được một cách rất cụ thể, rành mạch nguyên tắc, mối quan hệ chặt chẽ, trách nhiệm cho các chủ thể, phạm vi, hình thức quản lý, điều kiện đảm bảo, trách nhiệm giữa chủ thể phân quyền, phân cấp, ủy quyền với chủ thể nhận phân quyền, phân cấp, ủy quyền; phù hợp với phương thức quản lý về phân quyền, phân cấp, phương thức pháp lý để thực hiện quyền này.
"Trong bối cảnh chúng ta thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để tiến hành việc đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương. Xin phép các đại biểu ủng hộ cho phương án này, tạm thời ổn định như thế", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.
PV