Tầm Vu mở hội Làm Chay...

Tầm Vu mở hội Làm Chay...
3 giờ trướcBài gốc
Với người dân Tầm Vu, huyện Châu Thành, Lễ hội Làm Chay như “cái tết thứ 2” (Ảnh tư liệu)
Xứ Tầm Vu, khởi nguyên từ tên con rạch, rồi ngôi chợ cho đến thành tên một vùng đất. Có người giải thích theo kiểu dân gian, Tầm Vu là tìm kiếm cô công chúa tên Du bị lạc trong chiến tranh giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn. Do cách phát âm chạy chữ, “Du” thành “Vu” nên có tên Tầm Vu. Riêng ý kiến các nhà nghiên cứu cho rằng Tầm Vu do từ Khmer “Lam Pu” có nghĩa là “cây bần” mà ra. Cách giải thích có sự hợp lý hơn khi vùng này khi xưa có các loại cây bần, sú, vẹt mọc nhiều. Ngay ở xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An hiện nay còn địa danh cầu Cây Bần nằm trên Đường tỉnh 828 đi Tiền Giang hay địa danh Bần Quỳ ở ngã ba sông Vàm Cỏ, huyện Tân Trụ.
Chiều chiều mượn ngựa đi đua,
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về.
Đưa về tới chợ Tầm Vu,
Mua một cây dù che nắng che mưa.
Tháng Giêng về Tầm Vu, chắc ai cũng nghe người dân địa phương nói giỡn với nhau câu “ở đâu ăn tết tới mùng 7 chứ dân Tầm Vu ăn tết tới giữa tháng Giêng mới hết”.
Dù ai buôn bán trăm bề,
Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu.
Tầm Vu ngày nay là một thị trấn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Thời điểm vui nhất ở đây không phải 3 ngày Tết Nguyên đán mà vào độ khoảng trung tuần tháng Giêng, tức thời gian diễn ra Lễ hội Làm Chay. Cũng có người nói Tầm Vu ăn tết tới hai lần. Nhiều người đi làm xa không có nhiều thời gian về thăm quê, đôi khi lại không về ngay Tết Nguyên đán mà chờ đến ngày Làm Chay mới về để tham dự lễ hội của quê hương.
Lễ hội Làm Chay chính thức bắt đầu từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng hàng năm, với không gian kéo dài từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước, chùa Linh Võ (chùa Ông), miếu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh tịnh Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu,... Từ “làm chay” xuất phát từ cách phát âm của người miền Nam đọc trại từ chữ “làm Trai đàn” mà ra.
Gắn liền với Lễ hội Làm Chay ở Tầm Vu, trong dân gian thường lưu truyền hai câu chuyện để giải thích về nguồn gốc phát xuất lễ hội. Người ta kể rằng: Trước đây, vào mỗi buổi trưa, học trò gần chợ Tầm Vu thường ra chơi ở nhà lồng chợ. Một bữa nọ vào đúng giờ Ngọ, bất thình lình nhà lồng chợ sập đổ. Rất may hôm đó không hiểu sao lại không có ai ra nhà lồng chợ chơi nên không xảy ra tai nạn về người. Sau đó, dân làng tổ chức lễ Trai đàn để siêu độ cho những cô hồn còn lẩn khuất nơi đây, vì cho rằng chính các phần âm này đã tạo ra vụ sập chợ, sau trở thành lệ Làm Chay hàng năm.
Một câu chuyện khác mang tính lịch sử và có độ phổ biến hơn kể rằng: Năm Mậu Dần (1878), thực dân Pháp đàn áp cuộc nổi dậy của nghĩa quân ở Tầm Vu, chí sĩ Đỗ Tường Tự bị xử bắn ngày 26 tháng 4 Âm lịch, ngay phía sau đình Tân Xuân. Sau đó 3 ngày, người anh ruột của ông là Đỗ Tường Phong cũng bị chúng xử chém ở Tân An. Hai ông vốn là nghĩa sĩ trung kiên của phong trào kháng Pháp do Thủ Khoa Huân lãnh đạo. Tấm gương hy sinh khẳng khái đã làm cho người dân Tầm Vu ngưỡng mộ, tiếc thương và sục sôi lòng căm thù giặc Pháp. Nhưng vì bị chúng cấm ngăn tổ chức ma chay, tưởng niệm nên để che mắt và tránh được sự đàn áp tàn bạo của chúng, nhân dân Tầm Vu ngày ấy phao tin “loạn cô hồn dậy dẹp chợ” và nhân sự kiện dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm để làm Trai đàn với lý do xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng cùng Chẩn Tế cô hồn, nhân đó âm thầm tưởng nhớ và cúng tế các nghĩa sĩ, nghĩa binh đã hy sinh.
Từ đó, Lễ Làm Chay đã trở thành lệ cúng hàng năm tại Tầm Vu, xuất phát từ tấm lòng của cư dân địa phương mong cầu bình an cho cộng đồng hiện tại và cầu siêu cho người đã khuất, qua đó cũng thể hiện đạo lý tri ân với những người đã vị quốc vong thân.
Trước năm 1945, lễ được tổ chức đơn giản, chỉ lập đàn dưới đất cúng cầu siêu tại nhà lồng chợ cũ (khu vực chợ Tầm Vu hiện nay). Từ năm 1945-1954, mỗi kỳ cúng có thêm phần hát bội. Từ năm 1954-1979, tiếp tục cúng ở chợ Tầm Vu. Thời gian này vẫn gọi là Lệ Làm Chay vì chỉ có lễ cúng tế. Từ năm 1980 đến nay, việc cúng tế được chuyển vào đình Tân Xuân và có thêm phần hội nên được gọi là Lễ hội Làm Chay.
Đối tượng chính của Lễ Làm Chay là Ông Tiêu, tức Tiêu Diện Đại sĩ, một hóa thân của đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Theo Phật giáo và tâm thức dân gian, Ông Tiêu là vị hàng phục chúng cô hồn, ngạ quỷ, cứu độ chúng sanh. Lễ được bắt đầu với nghi thức Thỉnh Ông Tiêu. Hình tượng Ông Tiêu được làm bằng giấy, chuẩn bị trước lễ hội cả tháng, khi hoàn thành được đặt trong chùa Linh Phước.
Lễ hội diễn ra, người ta tổ chức đám rước từ đình đến chùa Linh Phước rước Ông Tiêu về chùa Linh Võ để nhân dân vào chiêm bái. Tiếp đến, đoàn đến chùa Linh Phước để thỉnh Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy, rước tượng Phật về đặt ở bàn thờ trung tâm đình Tân Xuân. Ở khu vực đài liệt sĩ, nhân dân thực hiện các nghi thức dâng hương, mặc niệm, gióng ba hồi chiêng trống chiêu hồn và vào viếng mộ chí sĩ Đỗ Tường Tự.
Nghi thức Khai kinh tụng cầu an do các nhà sư phụ trách để cầu an cho cộng đồng. Nghi thức cúng tế nghĩa sĩ trận vong do bổn đạo Cao Đài Tiên Thiên đảm nhiệm. Tiếp theo là nghi thức Đề phan liệt sĩ do vị sư cả Phật giáo chủ trì. Sang ngày 16 tháng Giêng, lễ cúng cô hồn được tiến hành tại miếu Âm Nhơn.
Nghi thức Thỉnh cỗ bánh được tiến hành với lễ vật gồm một cỗ bánh lớn do đình chuẩn bị và các cỗ bánh nhỏ hơn do nhân dân hiệp tâm hiến cúng. Sau cuộc lễ, mâm cỗ bánh sẽ cho bá tánh thập phương tham dự lễ hội giành lấy làm lộc.
Buổi trưa, nghi thức Thỉnh Ông Tiêu lên giàn được thực hiện. Đám rước xuất phát từ đình đến chùa Linh Võ, rước Ông Tiêu về đình đặt trên bàn thờ tại giàn Ông Tiêu. Cùng lúc ấy, một đám rước khác đến miếu Âm Nhơn thỉnh cô hồn. Sau khi cúng vái, lư hương cô hồn được đưa về đặt tại bàn cúng cô hồn trên giàn Ông Tiêu.
Lễ chiêu u (đi thỉnh cô hồn các nơi về đàn Chẩn Tế tại đình Tân Xuân) gồm nghi thức chiêu u đường sông và chiêu u đường bộ. Lễ chiêu u có sự tham gia của các chức sắc hội đình, các sư thầy và đông đảo quần chúng nhân dân, đến các địa điểm chiêu u cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn Ông Tiêu.
Nghi thức Thỉnh kinh đánh động là màn diễn có nội dung thầy trò Đường Tam Tạng vưng lịnh vua Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Đánh Động ngoài là một nghi thức mang ý niệm “thưởng thiện phạt ác” và bạt độ vong hồn thì trong mắt người bình dân còn là một hoạt động biểu diễn mang tính giải trí dân gian nên rất thu hút người tham gia. Lễ chiêu u và nghi thức đánh động là một điểm nhấn đặc sắc trong Lễ hội Làm Chay cũng là nghi thức được trông chờ nhiều nhất. Điều này thể hiện sự lan tỏa của lễ hội, không chỉ gói gọn ở khu vực đình Tân Xuân mà còn được người dân khắp các xã trong huyện Châu Thành hưởng ứng với sự phấn khởi.
Nghi thức Phóng đăng hướng tới sự giác ngộ, giải thoát chúng sanh, diễn ra trên sông Tầm Vu. Ghe phóng đăng là một chiếc ghe chở một linh thú, theo tuần tự Long, Lân, Quy, Phụng, cứ mỗi năm làm một con khổng lồ với đèn nhấp nháy đủ màu.
Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội Làm Chay là đăng đàn Chẩn Tế, hóa Tiêu Diện Đại Sĩ, xô giàn. Trong đó, nghi thức Chẩn Tế là khoa nghi cuối cùng của lễ Trai đàn và cũng là khoa nghi quan trọng nhất. Khoa nghi này có ý nghĩa thí thực cho thập loại chúng sanh, để cô hồn, ngạ quỷ đến Pháp hội lễ bái chư Phật, nghe thuyết pháp, nhận của bố thí và nương tựa công đức này được siêu sanh, giải thoát.
Ngoài phần lễ, phần hội sẽ có những trò chơi dân gian như đập heo đất, kéo co, nhảy bao bố,... đặc biệt nhất là trò bắt vịt trên sông với không khí rất nhộn nhịp, sôi động, thu hút đông đảo người dân địa phương tham dự.
Lễ hội Làm Chay ở Long An mang tính tâm linh vì cộng đồng dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, cúng thập loại chúng sanh và mang đến đời sống an lạc cho người dân. Theo tín ngưỡng địa phương, tháng Giêng là tháng hội hè, vụ mùa gặt hái đã xong, bà con có của ăn của để nên tổ chức cúng tế cho vong linh bá tánh. Lễ hội Làm Chay đã đi sâu vào tâm tưởng của người dân địa phương và trở thành phong tục được duy trì từ đời này sang đời khác. Làm Chay là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Châu Thành, thật sự là “cái tết thứ hai” của người dân địa phương.
Một nét đẹp khác ở Lễ hội Làm Chay ngày nay là sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cùng với đó là nét đẹp văn hóa dân gian thể hiện sự hòa hiệp dân tộc, có sự kết hợp hòa hảo giữa các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, khi có sự góp mặt chủ đạo của Phật giáo, cùng với đó là Cao Đài giáo cùng tín ngưỡng bản địa, đặc biệt lại có sự xuất hiện của tích truyện Tây Du Ký qua hình ảnh thầy trò Đường Tăng trừ diệt yêu quái trên đường đi thỉnh kinh. Qua đó, thể hiện lối sống hài hòa, thân thiện, tinh thần tri ân, báo ân đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước và ước vọng cho cuộc sống bình yên, no ấm, dương thới, âm siêu.
Tầm Vu mở hội Làm Chay,
Vui mừng cuộc sống hôm nay đủ đầy./.
Nguyễn Minh Nguyên
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/tam-vu-mo-hoi-lam-chay--a190262.html