Tận dụng lợi thế, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt

Tận dụng lợi thế, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt
2 ngày trướcBài gốc
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Bình Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế để hiểu hơn về vấn đề này.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường EU hiện nay?
Bà Bùi Thị Bình Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương). Ảnh: Quốc Chuyển
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc). Đối với phía EU, theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu, Việt Nam đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN; tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam đứng top 10 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Theo số liệu của Cục Hải quan Việt Nam, sau 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ 01/8/2020), thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng trưởng, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm (từ kim ngạch 48,9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63,7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực).
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt tăng trưởng bình quân 8,7%/năm; nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt tăng trưởng bình quân 2,8%/năm. Hiệp định EVFTA bước sang năm thực thi thứ 5 với nhiều dòng thuế tiếp tục được cắt giảm theo lộ trình cam kết, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hàng Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại khu vực.
Cùng với đó, nền kinh tế EU đang dần phục hồi, lạm phát có xu hướng giảm về mức mục tiêu 2%, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa cải thiện cũng là yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh các cơ hội thuận lợi, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu những quy định nghiêm ngặt của EU đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, sản phẩm cần phải tuân thủ quy tắc xuất xứ, đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu và quy trình sản xuất đạt chuẩn theo quy định của Hiệp định. Ngoài ra, có thể kể đến hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn sản phẩm như tiêu chuẩn EN (yêu cầu về sự an toàn, sức khỏe, môi trường), tiêu chuẩn CE (đối với nhiều loại hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, đồ chơi, thiết bị y tế…), chứng nhận REACH (đối với sản phẩm liên quan đến hóa chất; các yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (giấy chứng nhận kiểm dịch, các yêu cầu HACCP, ISO…, các yêu cầu truy xuất được nguồn gốc…)...
Thị trường EU cũng yêu cầu sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội rất rõ ràng. Bên cạnh đó, EU cũng có những quy định chặt chẽ về chống gian lận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Do đó, việc thâm nhập vào thị trường EU đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hiểu biết về các cam kết theo Hiệp định EVFTA, các quy định pháp lý của EU đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt cần kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất để tránh khó khăn khi xuất khẩu, cần minh bạch về xuất xứ hàng hóa xuất xứ, sai sót có thể dẫn đến ách tắc hàng hóa và các chế tài nghiêm khắc, gây thiệt hại tài chính và mất uy tín thương mại.
Thời quan qua, Bộ Công Thương đã triển khai những chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản pháp lý cũng như các quy định khi xuất khẩu sang EU?
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chính sách nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản pháp lý và quy định khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường EU. Các chính sách này tập trung vào hỗ trợ tận dụng EVFTA, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại và phát triển bền vững.
Về việc triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2091/QĐ-BCT ngày 06/8/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương. Một trong các mục tiêu hướng tới của Kế hoạch là giúp các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên toàn quốc: Nắm được nội dung cam kết của Hiệp định EVFTA và cách thức thực thi cam kết Hiệp định; Vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định EVFTA trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt được tăng trưởng mạnh mẽ
Đối với tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định: Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo, tập huấn về Hiệp định, trong đó năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức gần 09 hội thảo, tọa đàm trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có dệt may, da giày, thủy sản, cà phê và quế để định hướng xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA hiệu quả trong thời gian tới và đã tổ chức 09 chương trình tập huấn, tọa đàm hệ sinh thái tận dụng các FTA mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì việc yêu cầu hệ thống Thương vụ tăng cường nghiên cứu thị trường nước sở tại thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất để cập nhật thị trường EVFTA, từ đó đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu phục vụ cho việc dự báo.
Với rất nhiều giải pháp đồng bộ mà Bộ Công Thương đã triển khai, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu có nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài. Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình này trong năm qua trong việc xúc tiến xuất khẩu hàng Việt sang EU?
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị trong Bộ đầu mối triển khai. Hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu có nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Những hoạt động này bao gồm việc tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, dẫn đoàn giao dịch thương mại, tổ chức hội thảo và đào tạo, cũng như xây dựng các nền tảng trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp do các đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ Công Thương thực hiện.
Những hoạt động này đã thể hiện cam kết của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ EVFTA và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.
Đặc biệt, qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trong năm 2024 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện thường xuyên, liên tục, và doanh nghiệp đạt được kết quả tích cực, dần dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường các nước nói chung và thị trường châu Âu nói riêng.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ hơn 500 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp tại thị trường châu Âu (chưa tính các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng). Hàng chục hợp đồng, biên bản xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại tại châu Âu năm 2024 với tổng giá trị đạt trên 10,5 triệu USD.
Năm 2024, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phê duyệt và giao các đơn vị chủ trì thực hiện 12 đề án xúc tiến thương mại tại thị trường châu Âu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng của châu Âu.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ việc tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành và đa ngành tại các thị trường trọng điểm, bố trí chương trình làm việc, giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Các hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM cũng được hướng dẫn lựa chọn các sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành, lớn, có uy tín tại thị trường Châu Âu để xây dựng đề án xúc tiến thương mại quốc gia và triển khai tổ chức cho doanh nghiệp tham gia.
Đỗ Nga
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tan-dung-loi-the-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-hang-viet-383150.html