Gia đình ông Hoàng Đăng Vinh ở xóm Đồng Mây có kinh tế khá giả nhờ kết hợp trồng rừng và chăn nuôi.
Ông Đàm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: Xã có trên 1.580 hộ dân, với hơn 7.060 nhân khẩu, trong đó trên 80% là bà con dân tộc thiểu số, 90% số hộ làm nông nghiệp. Để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân ở 9/9 xóm chú trọng khai thác lợi thế về đất đai, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, xã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và chính sách hỗ trợ của Nhà nước; huy động các tổ chức hội đoàn thể tích cực tham gia vận động bà con nông dân đẩy mạnh liên kết, thành lập các mô hình kinh tế tập thể để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp trên, những năm qua, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã đều được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2024, lĩnh vực chăn nuôi của xã phát triển ổn định với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 43.200 con/năm; tổng diện tích gieo trồng, sản xuất nông, lâm nghiệp vượt 4% kế hoạch.
Toàn xã có 178/183ha diện tích chè kinh doanh (tăng 10ha so với năm 2020), trung bình mỗi năm sản lượng chè búp tươi đạt 2.100 tấn. Xã có 1.200ha rừng sản xuất thì đã có trên 304ha được cấp chứng chỉ FSC.
Đặc biệt, trên địa bàn có 5 tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hoạt động ổn định trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.
Đơn cử như HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Tân Long được thành lập năm 2022 và hoạt động hiệu quả từ đó đến nay với 11 thành viên. Ông Hoàng Đăng Vinh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế nên tôi mạnh dạn thành lập HTX thu hút hộ nông dân có chung sở thích chăn nuôi dê, gà.
Những năm qua, HTX là đầu mối liên kết với công ty để cung cấp con giống, nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng cho các thành viên, tạo môi trường để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trị bệnh. Hiện nay, tổng đàn dê toàn xã đã phát triển lên 1.000 con với 15 trại, trong đó HTX quản lý 10/15 trại.
Chị Lăng Thị Điềm tham gia mô hình tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP xóm Ba Đình.
Chị Lăng Thị Điềm, thành viên THT sản xuất chè VietGAP xóm Ba Đình, cho biết: Là thành viên THT, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn, có thêm kiến thức mới và biết được giá trị của chè giống mới, chè VietGAP. Đến nay, gia đình tôi chủ yếu trồng giống chè Long Vân, có giá bán chè tươi cao gấp đôi so với giống chè thường khác. Tôi cũng vừa đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè, tăng hiệu quả kinh tế.
Để người dân có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, UBND xã Tân Long cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất.
Tính riêng Ngân hàng CSXH, hiện tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt 69,9 tỷ đồng với 866 lượt hộ vay vốn. Qua kiểm tra đánh giá, các hộ dân đều đã và đang sử dụng đúng mục đích trong phát triển sản xuất, giải quyết việc làm...
Thành viên Hợp tác xã thương mại và dịch vụ nông nghiệp Tân Long chia sẻ kiến thức chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn dê.
Chị Lục Thị Thu, người dân xóm Đồng Luông, nói: Năm 2021, nhờ được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH mà gia đình tôi có vốn để để đầu tư chăn nuôi và trồng 1ha keo. Nhờ sản xuất hiệu quả, cuộc sống gia đình tôi đã bớt khó khăn.
Đời sống người dân xã Tân Long đã từng bước được cải thiện. Năm 2024 xã chỉ có 16 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,2%, hộ cận nghèo chiếm 4,4%; bình quân thu nhập người dân đạt 43 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồng so với năm 2021).
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đàm Văn Xuân: Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động nhân dân tiếp tục duy trì, khai thác tốt những lợi thế trong sản xuất nông lâm nghiệp để góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Ngọc Ánh