Vua Hiệp Hòa, tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Dật, là vị vua thứ sáu của triều Nguyễn, chỉ trị vì trong vòng chưa đầy bốn tháng vào năm 1883. Trong lịch sử triều Nguyễn, ông không được biết đến bởi thành tựu chính trị hay văn hóa, mà nổi bật như một nạn nhân bi kịch của cuộc khủng hoảng triều chính trong giai đoạn đất nước đang dần rơi vào vòng kiềm tỏa của thực dân Pháp. Ngai vàng mà vua Hiệp Hòa bị buộc phải kế vị không đem lại quyền lực hay vinh quang, mà trở thành khởi đầu cho một bi kịch chính trị đau đớn trong lịch sử triều Nguyễn.
Ngược dòng lịch sử, Hiệp Hòa là con trai thứ 29 của vua Thiệu Trị và là em cùng cha khác mẹ với vua Tự Đức. Sau cái chết của Tự Đức vào ngày 17/7/1883, các đại thần phụ chính không muốn chấp nhận vua Dục Đức – người từng được Tự Đức chọn làm người kế vị – nên đã phế truất vị vua này chỉ sau ba ngày đăng cơ. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, Nguyễn Phúc Hồng Dật được các quyền thần đưa lên ngôi ngày 30/7/1883 với niên hiệu Hiệp Hòa. Tuy nhiên, vốn là một thân vương không có thực quyền, không có phe phái hậu thuẫn, lại từng sống xa rời triều chính, Hồng Dật đã chống đối quyết liệt việc lên ngôi và đình thần phải dùng vũ lực mới đưa được ông vào Tử Cấm thành.
Lăng vua Hiệp Hòa ở Cố đô Huế. Ảnh: Quốc Lê.
Khi bị “đặt” lên ngôi trong hoàn cảnh trớ trêu như vật, vua Hiệp Hòa đã sớm rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa một triều đình bị thao túng bởi các đại thần như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến kháng Pháp.
Ngược lại với các đại thần muốn cự tuyệt hoàn toàn thực dân Pháp, ông thể hiện quan điểm ôn hòa, cho rằng việc thương lượng với người Pháp có thể giúp bảo toàn phần nào nền quân chủ. Tuy nhiên, quan điểm này không được sự đồng tình của các đại thần chủ chiến, và trở thành lý do khiến ông dần bị cô lập.
Ngày 29/11/1883, chỉ bốn tháng sau khi lên ngôi, Hiệp Hòa bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết buộc phải làm tờ chiếu nhường ngôi cho Kiến Phúc, người con nuôi của vua Tự Đức. Sau đó, ông bị ép uống thuốc độc tự vẫn, chấm dứt một triều đại ngắn ngủi, đầy hỗn loạn và không để lại dấu ấn nào ngoài cái chết đầy u uất. Điều cay đắng là ông không hề có thực quyền để thực hiện bất kỳ chính sách nào, cũng không có thời gian để định hình một phong cách trị quốc. Ngai vàng mà Hiệp Hòa ngồi lên là cạm bẫy chết người giữa trận cuồng phong quyền lực và đấu đá nội bộ, là dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ dần của nền quân chủ Nguyễn trong thế kỷ 19.
Cái chết của vua Hiệp Hòa là biểu tượng đau xót cho một triều đại bị rối loạn bởi cả ngoại xâm lẫn nội loạn. Ông là một trong ba vị vua bị phế và chết trong cùng năm 1883 – một năm được xem là “đen tối nhất” trong lịch sử triều Nguyễn, khi ngai vàng trở thành trung tâm của những biến động chính trị cung đình, khi các phe phái trong triều thay nhau tác động tới quyền lực hoàng gia.
Tài liệu tham khảo:
Đại Nam thực lục. Quốc sử quán triều Nguyễn. NXB Hà Nội, 2022.
Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. NXB Văn hóa Thông tin, 2021.
Thanh Bình