Ảnh minh họa: ITN
“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, dường như đã lâu rồi tôi mới được nghe lại tiếng rao quen thuộc ấy. Chiều nay, ở nơi thành phố giữa cái nắng oi bức, ngột ngạt, tôi chợt nghe tiếng rao ấy văng vẳng bên tai. Tiếng rao ấy đã làm sống lại ký ức của một thời về một món ăn mà có lẽ đối với tôi nó là món “đặc sản” ngon nhất mà tôi đã từng biết.
Món đậu hũ có lẽ cũng không quá xa lạ với mọi người. Ở một số nơi đậu hũ còn có tên gọi khác là tào phớ. Ở quê tôi, đậu hũ không phải là một món ăn “cao lương mĩ vị” gì, mà nó chỉ là món ăn đơn giản, bình dân mà bất cứ ai cũng có thể thưởng thức được. Nhưng hương vị của nó có lẽ ai đã từng ăn qua một lần rồi thì sẽ không bao giờ quên được.
Tôi còn nhớ mãi kí ức ngày ấy, cái thời còn ở lứa tuổi vô lo, vô nghĩ. Sau những buổi trưa say giấc, tôi tỉnh dậy. Khi chợt nghe bà bán đậu hũ rao: “Ai đậu hũ không?, Ai đậu hũ không?” thì hai con mắt của tôi dường như bừng sáng. Mặc dù những lúc ấy, tôi còn chưa tỉnh táo hẳn. Tôi vội vàng chạy đi gọi mẹ ngay để mua đậu hũ ăn xế.
Lúc đầu, khi chưa được thưởng thức, thật sự tôi cũng không thích món này lắm, vì nhìn bên ngoài không mấy ấn tượng với cái màu trăng trắng của đậu hũ và nước đường đen đơn điệu. Tôi cũng không hiểu vì sao mọi người lại thích món ăn này đến như vậy! Ấy thế mà khi đã ăn vào rồi thì dường như tôi bị cuốn hút, mà nói đúng hơn là nghiện đậu hũ thật sự.
Tôi còn nhớ mãi cái cảm giác đầu tiên khi được thưởng thức. Miếng đầu tiên khi bỏ vào miệng, đậu hũ tan chảy dần trên đầu lưỡi. Tôi cảm nhận được cái vị thanh mát của đậu hũ hòa quyện vào sự ngọt ngào của nước đường đen pha gừng làm cho món ăn trở nên hấp dẫn với tôi không biết từ khi nào.
Có lúc tôi ăn một mạch tận đến ba, bốn chén mới đã cơn thèm. Những khi ấy, mẹ nhìn tôi cười bảo: “Con ăn nữa không mẹ mua”, mà cái bụng tôi đã no tròn không thể ăn thêm. Tôi lắc đầu. Mẹ trả tiền cho bà bán đậu hũ. Tiếng rao vẫn văng vẳng ngân lên.
Những ngày ấy, đám trẻ con lớn lên trong sự thiếu thốn, không được đầy đủ như bây giờ được ăn nhiều món ngon, món ăn lạ, hấp dẫn. Vì vậy được thưởng thức món đậu hũ là một điều gì đó rất hạnh phúc với chúng tôi.
Mà có lẽ điều bản thân tôi luôn trân quý nhất vẫn là những phút giây tuổi thơ ấm áp được sống bên gia đình, có mẹ, có cha, có một mái nhà che chở qua năm tháng, dù căn nhà ấy vẫn còn nhiều chỗ ủ dột hay lạnh buốt mỗi khi mưa rét đến. Và được cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã một cách ngon lành. Kỷ niệm ấy, đi suốt một đời, tôi sẽ mãi không bao giờ quên.
Những ngày tiết trời nóng bức mà có chén đậu hũ nước đường đen pha gừng để thưởng thức thì tuyệt vời biết dường nào. Hơn nữa đậu hũ cũng là món ăn được làm từ loại hạt giàu chất dinh dưỡng như đậu nành rất tốt cho cơ thể. Nó giúp cho cơ thể ngăn ngừa được nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, loãng xương… Tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều vì nó cũng sẽ hạn chế hấp thu một số chất dinh dưỡng như canxi, i-ốt…
Việc thưởng thức món đậu hũ thì cũng không quá cầu kì, phức tạp. Đậu hũ được múc ra một cái chén, sau đó lấy nước đường đen pha gừng đổ lên một lớp vừa phải. Nếu muốn tăng thêm hương vị, có thể rắc lên đó ít đậu phộng hoặc dừa khô rim. Mọi người có thể dùng nóng hoặc bỏ đá lạnh, tùy sở thích.
Nhưng dù cho thưởng thức bằng cách gì đi nữa thì món đậu hũ vẫn toát lên hương vị đậm đà, ngọt ngào như vốn dĩ cái cốt cách chân chất của người dân quê. Tôi mê cái hương vị của món ăn này cũng có lẽ một phần ở yếu tố ấy.
Bây giờ, con người vội vã chạy theo cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”, món ăn dân dã ngày ấy dường như cũng dần bị lãng quên giữa đầy rẫy những món ăn mới lạ được du nhập từ nhiều nơi khác về.
Đã lâu rồi tôi cũng chưa được thưởng thức món đậu hũ mang hương vị quê hương ấy. Để rồi chiều nay, giữa cái nắng nóng bức ở nơi thành phố xa lạ, xô bồ, ồn ã, tôi chợt nghe văng vẳng đâu đây tiếng rao về một món ăn quen thuộc: “Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?...”. Lòng tôi chợt khựng lại, ký ức lại ùa về với một khoảng trời tuổi thơ bên gia đình. Và đâu đó tôi cảm nhận được cái hương vị của món đậu hũ ngọt lành còn đọng đâu đây...
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Ân (Giáo viên Trường THCS Đức Chánh, Mộ Đức, Quảng Ngãi)