Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt, nhất là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, UBND tỉnh vừa ra văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị trong việc cập nhật số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015 của Bộ Y tế, giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện để cung cấp kịp thời thông tin các ca bệnh truyền nhiễm, những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh, phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ sau các đợt mưa bão, ngập lụt.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Thực hiện rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với dịch bệnh COVID-19, thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh COVID19 trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế và hướng dẫn của Bộ Y tế, kịp thời tham mưu văn bản chỉ đạo, kế hoạch hoặc phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19 của UBND tỉnh. Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Chủ động thực hiện giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19, các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng.
Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Y tế định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19; các thông điệp truyền thông thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giao Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân các nội dung về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong đó có dịch bệnh COVID-19, các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng tại nhà trẻ, trường mẫu giáo, COVID-19; đề nghị các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Giao Sở Tài chính đề xuất bổ sung kinh phí kịp thời để chủ động triển khai công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt và giao mùa trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế đến các tổ chức, cá nhân đơn vị quản lý và người dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị theo quy định.
UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19, các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn; đảm bảo sẵn sàng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tuyên truyền tới từng hộ gia đình việc sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết để phòng chống bệnh COVID-19; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường ngay sau các đợt mưa bão, ngập lụt để phòng, chống dịch bệnh…
Hồng Chung