Tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp điều trị cho người sử dụng ma túy là cần thiết

Tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp điều trị cho người sử dụng ma túy là cần thiết
một ngày trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội
Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy với những cơ sở chính trị pháp lý và cơ sở thực tiễn đã nêu tại Tờ trình 623 của Chính phủ.
ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho biết, quá trình một người nghiện ma túy có các giai đoạn: từ người chưa sử dụng ma túy nhưng có nguy cơ cao sử dụng ma túy, người sử dụng ma túy, người sử dụng ma túy trở thành người nghiện ma túy, người nghiện ma túy đã được đưa đi cai nghiện, người nghiện ma túy sau cai nghiện.
Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người nghiện ma túy đã được đưa đi cai nghiện và người sau khi được cai nghiện đã được đề cập và quy định khá đầy đủ ở mục tiêu cụ thể về giảm cầu tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, đối với người chưa sử dụng ma túy nhưng có nguy cơ cao sử dụng ma túy và dễ dẫn tới nghiện ma túy thì chưa được quy định đầy đủ trong nghị quyết. Chỉ rõ điều này, đại biểu Lê Tất Hiếu cho rằng, những đối tượng nêu trên là những thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động. Đây phần nhiều là những đối tượng tuổi đời trẻ, đang trong quá trình hình thành nhân cách, dễ bị dụ dỗ, sa ngã; đồng thời cũng là đầu vào quan trọng, bổ sung chính cho số người sử dụng ma túy và nghiện ma túy.
Muốn giảm tỷ lệ và giảm tuyệt đối số người sử dụng và nghiện ma túy, theo đại biểu Lê Tất Hiếu, Nhà nước – xã hội – nhà trường và gia đình cần phải có các biện pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý chặt chẽ. Trong các chủ thể này, cần đặc biệt chú trọng đến gia đình.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
“Trong thực tiễn người sử dụng và nghiện ma túy xuất phát ở mọi thành phần gia đình, từ có điều kiện hay không có điều kiện về kinh tế. Trong cuộc sống hàng ngày các cháu đi đâu, làm gì, quan hệ với ai, các đối tượng nào thì gia đình là người nắm rõ, biết đầu tiên, sau đó mới đến nhà trường và xã hội”.
Từ thực tế trên, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị bổ sung phần mục tiêu cụ thể về giảm cầu tại điểm b khoản 1 Điều 1 nội dung “Quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao sử dụng trái phép ma túy và nghiện ma túy. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giám sát đối với các đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và người lao động”.
Còn khoảng trống về chăm sóc, điều trị người sử dụng ma túy tổng hợp
Mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng, nhưng ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho rằng, hoạt động của các tội phạm này là xuyên quốc gia, có nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng len lỏi ở khắp nơi, thậm chí đi vào các điểm trường học dưới các dạng bánh kẹo, thức ăn, nước uống... bán trước cổng trường. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên khẳng định, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hết sức cần thiết để góp phần giữ vững về an ninh trật tự, tạo môi trường lành mạnh để người dân phát triển một cách toàn diện.
Đối với dự án thành phần 2 về ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống ma túy, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhận thấy đây là nội dung rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong quản lý; đáp ứng được tình hình tội phạm về ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cân nhắc khi đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm thì cũng cần phải có những giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ và triển khai có hiệu quả.
Về dự án thành phần 6 về tăng cường, đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng, việc tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp điều trị cho người sử dụng ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp là rất cần thiết. Bởi, hiện nay dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp còn khoảng trống khá lớn.
Dẫn nghiên cứu năm 2022 của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho biết, người sử dụng ma túy nhận được điều trị trên thế giới là 10%, khu vực châu Á chỉ 5%. Vì vậy, cần bảo đảm tính riêng tư và dễ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy và gia đình của họ, nhất là người mới sử dụng ma túy. Can thiệp càng sớm, điều trị trong giai đoạn mới sử dụng ma túy thì hiệu quả điều trị, khả năng từ bỏ được ma túy càng cao.
Qua đó, cần tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học, điều trị như: liệu pháp tâm lý; can thiệp giảm tác hại; điều trị thay thế; điều trị cắt cơn và điều trị rối loạn tâm thần. “Đây là những vấn đề lớn, rất quan trọng mà chưa được quan tâm đầu tư trong khi nhu cầu xã hội ngày càng tăng”, đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Quan tâm đến tiểu dự án 1 thuộc dự án thành phần 3 về mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ nâng cao năng lực phòng, chống ma túy của bộ đội biên phòng, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) nêu rõ, Chương trình đã bố trí trang bị cho lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy từ Cục Phòng, chống ma túy đến Phòng chống ma túy ở 44 tỉnh, thành trên cả nước cũng như đội phòng, chống ma túy của 433 đồn biên phòng. Với đường biên giới dài, địa hình phức tạp, đối tượng tội phạm ma túy được trang bị vũ khí hiện đại, áp dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi và manh động.
Tuy vậy, nguồn kinh phí bổ sung bố trí cho tiểu dự án này còn khiêm tốn. Do đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị tiếp tục nghiên cứu để bổ sung nguồn vốn cũng như bổ sung vào các hạng mục mua sắm trang thiết bị như mục tiêu cụ thể Chương trình đã đề ra là “lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy, bộ đội biên phòng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ hiện đại”.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-cung-cap-dich-vu-can-thiep-dieu-tri-cho-nguoi-su-dung-ma-tuy-la-can-thiet-post396261.html