Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An phát biểu tại Hội nghị bàn tròn về thương mại và đầu tư giữa tỉnh Long An và thành phố Cologne.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sự kiện này là một trong những nội dung trọng tâm trong chuyến làm việc tại Đức của đoàn công tác tỉnh Long An, do ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An dẫn đầu. Tham gia đoàn công tác của tỉnh Long An còn có ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, cùng nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp lớn của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh với việc nhận thấy dư địa hợp tác với các đối tác Đức còn rất lớn, dựa trên những lĩnh vực thế mạnh của Đức phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh, Long An đã chủ động tổ chức đoàn công tác đến Đức, với mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp Đức trong các lĩnh vực nhà đầu tư Đức có lợi thế như sản xuất ô tô, máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, logistics, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Frank Hemig, Phó Giám đốc điều hành IHK Cologne, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết năm 2020 đã góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức, trong đó Cologne đóng vai trò quan trọng nhờ vị thế là một trung tâm kinh tế và hội tụ nhiều tiềm năng hợp tác quốc tế của Đức. IHK rất quan tâm đến đầu tư vào Long An và trân trọng sự có mặt của đoàn công tác tại Cologne.
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, nhấn mạnh Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Đức đặc biệt chú trọng việc phát triển quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Đức, căn cứ theo thế mạnh và tính tương hỗ của các địa phương. Với vị trí chiến lược tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), lực lượng lao động lành nghề và dồi dào, chính sách mở cửa, thân thiện với các nhà đầu tư, thế mạnh về nông nghiệp và thương mại, tỉnh Long An chắc chắn là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Đức.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng ban Quan hệ quốc tế của VCCI, khẳng định VCCI luôn xác định sứ mệnh làm cầu nối để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó Đức luôn là đối tác ưu tiên.
Theo ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, với việc tận dụng hiệu quả nhiều lợi thế, quy mô kinh tế của Long An năm 2023 đạt trên 6,2 tỷ euro, đứng thứ 13 cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửa Long. Long An đã tiếp nhận dòng vốn FDI từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.367 dự án, tổng vốn trên 12,5 tỷ USD, nằm trong số 10 tỉnh thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Dù số lượng còn khá khiêm tốn, nhưng các doanh nghiệp Đức đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế tỉnh Long An, nổi bật như Tập đoàn khí hóa lỏng Messer.
Về phần mình, ông Peter Komppala, Trưởng đại diện AHK Vietnam cho rằng mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đưa lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là rất ấn tượng, đồng thời cũng là thách thức rất lớn. Đây cũng chính là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Đức, với ba lĩnh vực đầu tư chủ yếu là năng lượng xanh và phát triển bền vững, tự động hóa và công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất lao động, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một trong những khách mời quan trọng của hội nghị, ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, hiện là Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, nhận định trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều công ty Đức mong muốn giảm thiểu rủi ro thuế quan thông qua tìm kiếm địa điểm đầu tư thay thế và Việt Nam là quốc gia đầu tiên được nghĩ tới trong khu vực Đông Nam Á. Đối với các công ty Đức, Long An là địa điểm đầu tư hấp dẫn vì có hạ tầng cơ sở tốt, có đường biên giới dài với Campuchia, có cảng quốc tế. Lực lượng lao động ở Long An dồi dào và có tinh thần khởi nghiệp tốt, tương đồng với người Đức.
Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được khẳng định định hướng phát triển của Long An đến năm 2050 phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và phù hợp với thế mạnh của ngành công nghiệp Đức. Ông đề xuất thành lập Khu công nghiệp Long An-Cologne tại tỉnh và kêu gọi các doanh nghiệp Đức vào đầu tư. Ông cũng đề nghị VCCI, Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Đức và các cơ quan có liên quan của Đức hỗ trợ thực hiện ý tưởng này.
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo tỉnh Long An và đại diện VCCI, IHK và AHK Việt Nam đã chứng kiến Lễ ký Thư cam kết cung cấp vốn cho Dự án năng lượng tái tạo của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Đầu tư Hoàng Gia Việt Nam, với tổng vốn đầu tư ước tính 50 triệu USD, giữa ông Ludger Roecken, Giám đốc Cơ sở hạ tầng và Năng lượng của DEG và ông Trần Ngọc Nhật, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Gia.
Tiếp đó là Lễ ký Bản ghi nhớ giữa ông Nguyễn Môn, Tổng giám đốc CTCP Khu công nghiệp Long An (thuộc Tập đoàn Đồng Tâm), và ông Daniel Held, Tổng giám đốc Quickpack, về việc thuê 6 ha đất tại Khu công nghiệp Đông Nam Á do Tập đoàn Đồng Tâm phát triển, để xây dựng nhà máy sản xuất bao bì cho sản phẩm gia dụng, thực phẩm và y tế, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.
Ngày 19/11, đoàn công tác tỉnh Long An sẽ dự Đối thoại Việt Nam (Vietnam Dialogue) lần thứ nhất, tổ chức tại thành phố Frankfurt, về hợp tác tài chính giữa Việt Nam và châu Âu.
Tin, ảnh: Nguyễn Thu Hằng (TTXVN)