Phun nước tưới đường, ngăn ngừa bụi trong hoạt động sản xuất của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, chất lượng không khí trên địa bàn cơ bản đảm bảo, các chất thành phần gây ô nhiễm trong không khí vẫn ở trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, vào mùa khô, ở một số khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông lớn, như: Khu vực Gang thép (TP. Thái Nguyên); ngã tư Sông Công; khu vực Tân Long - Quan Triều (TP. Thái Nguyên)... có xuất hiện tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là ở thời điểm chiều tối hoặc sáng sớm.
Những năm trước, có thời điểm chất lượng không khí đánh giá theo chỉ số AQI (Air Quality Index- chỉ số đánh giá chất lượng không khí, thước đo mức độ ô nhiễm không khí ở thời điểm hiện tại cũng như dự báo mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai) ở TP. Thái Nguyên ở mức từ 201-300; chỉ số bụi mịn PM2.5 vẫn ở mức gần 90µ/m3; bụi mịn PM10 ở mức hơn 70µ/m3 (mức rất có hại cho sức khỏe).
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng của tỉnh đã xác định những nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, vào mùa khô, tình trạng ô nhiễm không khí cao hơn. Bởi bụi phát sinh nhiều hơn từ các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất, trong khi lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng.
Tuy nhiên, mùa khô năm nay, chưa có thời điểm nào chỉ số AQI vượt quá mức 200, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức 60-70µ/m3 và PM10 ở ngưỡng 50µ/m3 thấp hơn so với mùa khô năm 2023.
Một số chỉ số khác, như: NO2 (điôxít nitơ) ở mức vừa phải; SO2 (lưu huỳnh điôxít) ở mức tốt.
Để ngăn ngừa, kiểm soát chất lượng môi trường không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tập trung xác định các khu vực phát sinh bụi, có văn bản kiến nghị chính quyền các địa phương nắm bắt, giám sát các cơ sở sản xuất phát sinh khói bụi; tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Trên địa bàn phường đang có công trình xây dựng Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên nên các phương tiện chở vật liệu xây dựng ra, vào khu vực này lớn. Vì vậy, địa phương thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công, tài xế thực hiện che, chắn không để vật liệu rơi vãi ra đường, tiến hành tưới nước rửa thường xuyên.
Khu vực phía Nam TP. Thái Nguyên - nơi có Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - cũng được đánh giá thường xuyên bị ô nhiễm khói bụi do dây chuyền công nghệ sản xuất của Công ty đã cũ, cùng với đó là lưu lượng phương tiện giao thông ra vào lớn.
Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xử lý. Sau đó, Công ty cũng đã sử dụng xe tưới đường thường xuyên và đầu tư hệ thống lọc, phun sương nước tại lò cao luyện cốc. Vì vậy, tình trạng bụi giảm đáng kể.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng (Sở Giao thông Vận tải và Cảnh sát giao thông) xử lý hàng chục phương tiện chở vật liệu không che chắn, để dơi vãi vật liệu xuống đường gây ô nhiễm.
Một trong các giải pháp quan trọng mà cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm không khí là mở rộng các điểm lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động.
Nếu như trước đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 trạm đặt tại phường Trưng Vương thì từ năm 2023, Thái Nguyên đã lắp đặt thêm các trạm quan trắc tại phường Quan Triều, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) và tại phường Mỏ Chè (TP. Sông Công).
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc trường hợp phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải thực hiện nghiêm túc. Đến nay đã có 14 đơn vị lắp đặt. Tất cả chỉ số về môi trường không khí được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường...
Dương Hưng