Quang cảnh buổi lễ tổng kết năm 2024 của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau.
Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý, điều trị bệnh cho 573 học viên, trong đó, có 18 học viên tự nguyện và 555 học viên bắt buộc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngay từ khâu tiếp nhận, sàng lọc đánh giá, bố trí, phân loại phòng ở cho học viên luôn được thực hiện đúng nội quy của cơ sở, quy định của Sở và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phù hợp với từng học viên. Công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng của học viên được thực hiện đúng quy định.
Học viên vào cai nghiện ma túy đều trải qua 5 giai đoạn: phân loại, cắt cơn giải độc, giáo dục hành vi từ bỏ ma túy, duy trì hành vi từ bỏ ma túy và giáo dục tái hòa nhập cộng đồng. Hằng ngày, ngoài hoạt động trị liệu, học viên được luyện tập thể dục, thể thao, tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... Trong đó, duy trì tổ chức giáo dục mỗi tháng 4 kỳ vào thứ 6 hằng tuần với chuyên đề về đạo đức lối sống, nhân cách cho học viên. Bên cạnh đó, 80-90% số học viên đang có mặt tại cơ sở tham gia lao động với các công việc như: chăn nuôi, trồng hoa màu vừa để trị liệu vừa để cung cấp thêm chế độ ăn cho học viên.
Sau khi trải qua 5 giai đoạn, học viên tại Cơ sở cai nghiện tham gia lao động vừa để trị liệu vừa cung cấp thêm thực phẩm cho bữa ăn.
Đơn vị còn phối hợp với các cơ sở sản xuất tại địa phương tiến hành truyền nghề và tổ chức cho học viên lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm với một số ngành nghề như: đan ghế, đan lục bình, làm mộc, làm lông mi; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau dạy nghề điện lạnh, điện dân dụng cho học viên.
Năm 2025, Cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức thực hiện tốt công tác dạy nghề và truyền nghề cho học viên, đồng thời tổ chức cho học viên sinh hoạt, vui chơi, giải trí và tổ chức lao động trị liệu giúp cho học viên nhận thức được giá trị của lao động, làm thay đổi hành vi, nhân cách, khi tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện. Phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau mở các lớp dạy nghề cho học viên đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đảm bảo chất lượng học tập, chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, liên kết các đối tác, tìm ngành nghề phù hợp nhằm kết nối dạy nghề - truyền nghề cho học viên. Phối hợp Bệnh viên đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Lao và bệnh phổi thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho học viên, phấn đấu không để học viên tử vong tại cơ sở và giảm tỷ lệ học viên chuyển viện.
Thanh Phương - Trầm Nghĩ