Tăng cường sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa AIPA và ASEAN

Tăng cường sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa AIPA và ASEAN
2 giờ trướcBài gốc
Các nhà lãnh đạo tham dự AIPA-45. Ảnh: TTXVN
Tăng cường sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau
Theo Chủ tịch Quốc hội Lào - Chủ tịch Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2024 Saysomphone Phomvihane, tình hình quốc tế và khu vực đang đối diện với nhiều thách thức đan xen, nổi bật là những vấn đề hệ trọng như xung đột bùng phát ở nhiều nơi, biến đổi khí hậu, thiên tai, khủng hoảng kinh tế - tài chính. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của AIPA là diễn đàn để trao đổi các định hướng chiến lược hiện thực hóa các mục tiêu chung của AIPA và ASEAN.
Tại Đại hội đồng AIPA-45 diễn ra vừa qua tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, ông Phomvihane chia sẻ xu hướng đoàn kết, hợp tác được thể hiện rõ nét qua nỗ lực của ASEAN trong thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đạt tiến triển tích cực trong triển khai các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). Ông Phomvihane khẳng định, AIPA có vai trò quan trọng khi là cơ quan lập pháp đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân các quốc gia thành viên ASEAN với nhiệm vụ cốt lõi là hỗ trợ ASEAN theo đuổi các mục tiêu chung và mang lại những lợi ích thiết thực.
Đặc biệt, AIPA hiện đang ghi nhận những bổ trợ cho các nỗ lực hợp tác chung của ASEAN theo tinh thần chủ đề năm 2024 về thúc đẩy kết nối và tự cường. Điều này thể hiện cam kết của AIPA thúc đẩy triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tăng cường kết nối khu vực, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao thông vận tải, viễn thông, kết nối năng lượng và các lĩnh vực quan trọng khác. Những sáng kiến này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch và trao đổi giữa người dân các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần củng cố cộng đồng hài hòa, phát triển đồng đều, với quan hệ rộng mở với các đối tác bên ngoài.
Đánh giá cao sự gắn kết chặt chẽ giữa AIPA và ASEAN, Chủ tịch AIPA-45 đề nghị AIPA và ASEAN cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân.
Đại hội đồng AIPA-45 vừa qua đã khẳng định rõ nét rằng, trong gần 50 năm qua với vai trò là cơ quan lập pháp, giám sát, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, vì hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng, mang lại lợi ích cho mọi người dân. Từ đó cho thấy nhu cầu cấp thiết hiện nay là tiếp tục tăng cường sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa AIPA và ASEAN, trong đó, hợp tác ASEAN là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác liên nghị viện và hợp tác AIPA là động lực và tạo khuôn khổ thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả ngoại giao nhà nước, chính phủ giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN. Đây là yếu tố quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, hướng tới những bước chuyển mình mạnh mẽ.
5 định hướng ưu tiên để phát huy vai trò nghị viện
Dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 45, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu trước toàn thể AIPA với nhiều thông điệp quan trọng.
Quang cảnh một phiên họp tại AIPA-45. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong gần 60 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều kỳ tích trong việc đưa Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và ổn định, là một điểm sáng về tăng trưởng, hội nhập toàn cầu và là một nhân tố tích cực định hình cấu trúc khu vực, giúp tăng cường kết nối và gắn kết lợi ích giữa các quốc gia, đặc biệt trong việc thúc đẩy kết nối về thể chế, chính sách. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hợp tác nghị viện sẽ là động lực thúc đẩy triển khai xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên pháp luật, thể hiện tiếng nói và nguyện vọng của người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển, tạo nên sự đổi thay toàn diện và sâu sắc cho cộng đồng và từng quốc gia thành viên.
Khẳng định ASEAN hiện đang bước vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, với việc cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để chuyển tiếp sang Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Đây là thời điểm để chúng ta thực hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ cho một ASEAN tầm vóc, tự cường, năng động, gắn kết và là tâm điểm của tăng trưởng". Bày tỏ tin tưởng với sự chung tay, góp sức của các nước ASEAN, cùng củng cố bức tường thành ASEAN ngày càng thêm vững chắc vượt qua mọi khó khăn, thách thức của thời đại, Chủ tịch Quốc hội đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đóng góp toàn diện vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đưa ra 5 định hướng ưu tiên trong thời gian tới với mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của các nghị viện trong việc tăng cường kết nối. Thứ nhất, AIPA cần nỗ lực hơn nữa cùng ASEAN tăng cường tình đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Thứ hai, cần rà soát, đánh giá việc thực hiện các Kế hoạch tổng thể 2025, triển khai các chiến lược hợp tác đến năm 2045, tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau, chú trọng và dành ưu tiên thích đáng cho hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Thứ ba, AIPA cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tăng cường sự bổ trợ của ngoại giao nghị viện trong tổng thể ngoại giao nhà nước giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN, ủng hộ và hỗ trợ hiệu quả hơn chính phủ các nước với những giải pháp có tính khả thi cao nhằm thực hiện thành công những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra. Thứ tư, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.
Thứ năm, khuyến khích tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, bền vững cho ASEAN trong thời gian tới, cùng với việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Thanh Trúc
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tang-cuong-su-ket-noi-bo-tro-lan-nhau-giua-aipa-va-asean-post482705.html