Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chiều nay, 28.4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố vắng mặt
Theo Tờ trình dự án Luật, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án Luật lần này xác định là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thể chế hóa kịp thời kết luận của Bộ Chính trị, yêu cầu của cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt; không mở rộng đến các nội dung khác không liên quan đến mục đích, yêu cầu trên.
Dự thảo Luật gồm 3 điều; rà soát, đối chiếu các nội dung về tổ chức bộ máy và thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan khác trong các luật dự kiến được ban hành cùng thời điểm (Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự…) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất; bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố vắng mặt để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật cũng như phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật.
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo việc thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền về việc trong năm 2025 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, vướng mắc trong các quy định về giám định, định giá liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự; nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật đối với các quy định liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm nhằm tránh việc dồn án lên cấp trung ương. Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa cập nhật các nội dung sửa đổi của Bộ luật Hình sự.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao để tiếp tục hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực và Tòa án quân sự khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Quy định linh hoạt nhưng không được lạm dụng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, tài liệu trình phiên họp rất cụ thể, trách nhiệm, nội dung cơ bản rõ ràng; nhất trí về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật tập trung vào các vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật này nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành, như quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại; căn cứ tạm đình chỉ vụ án do thiên tai, dịch bệnh hay các vấn đề liên quan đến quyền của bị can, bị cáo. Đồng thời, dự án Luật cũng hướng đến tăng cường trách nhiệm của cơ quan tố tụng, như vai trò của công an xã trong xác minh, tố giác tội phạm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu, những nội dung nào có thể tiếp thu thì bổ sung quy định trong dự thảo Luật; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
So với các luật khác có những nội dung giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định, song, dự thảo Luật này liên quan đến con người, vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải rà soát kỹ lưỡng để khi Luật có hiệu lực là triển khai ngay.
“Lưu ý bảo vệ quyền con người, quyền công dân; các quy định về quyền của bị can, bị cáo như quyền im lặng, quyền đọc và ghi chép tài liệu vụ án hoặc quyền được cung cấp thông tin vụ án cần được làm rõ, vừa bảo đảm nguyên tắc nhân quyền theo Hiến pháp vừa không làm cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan tố tụng; tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, làm rõ căn cứ để tạm đình chỉ vụ án do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng. Quy định này cần linh hoạt nhưng không được lạm dụng để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhất là xử lý về kỹ thuật lập pháp; bảo đảm “tuổi thọ” của luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu những nội dung đã được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị trong Báo cáo thẩm tra về phạm vi sửa đổi.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến góp ý tại phiên họp, tiếp tục rà soát để bám sát việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan tại Kỳ họp thứ Chín, nhất là các luật về lĩnh vực tư pháp, mặt trận, đề án của Tòa án Nhân dân tối cao.
Minh Trang