Cụ thể, giá bậc 4 (401 - 700kWh) và bậc 5 (trên 700kWh) dự kiến tăng từ 105 - 483,6 đồng/kWh so với hiện tại. Những thay đổi này đặt ra nhiều câu hỏi về tác động đối với các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp.
Trước hết, đối với người dân, việc điều chỉnh bậc thang giá điện có thể mang lại lợi ích cho những hộ sử dụng điện ở mức thấp, nhưng đồng thời tạo áp lực tài chính lớn hơn cho các hộ tiêu thụ nhiều điện. Với đề xuất mới, các hộ sử dụng dưới 400kWh/tháng sẽ được hưởng lợi nhờ giá điện ở các bậc thấp không thay đổi. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), ở bậc 1 - 2 người sử dụng điện sẽ có lợi, vì giá ngang bằng với những bậc đầu tiên của giá 6 bậc trước đây. Ở những bậc giữa 3 - 4, giá vẫn tương đương với cách tính trước đây. Chỉ có ở bậc cuối giá điện sẽ cao hơn, tức là người sử dụng nhiều điện sẽ phải chi trả cao hơn. Các hộ sử dụng từ 400kWh trở xuống có thể giảm được vài chục nghìn đồng mỗi tháng trên hóa đơn điện.
Tuy nhiên, với những hộ sử dụng từ 401kWh/tháng trở lên, đặc biệt là các hộ gia đình đông người hoặc có nhu cầu tiêu thụ cao, chi phí điện sẽ tăng lên đáng kể. Giá điện bậc 5 áp dụng cho mức tiêu thụ trên 700 kWh/tháng, dự kiến tăng lên 3.785,6 đồng/kWh, cao hơn 600 đồng/kWh so với hiện hành. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, việc điều chỉnh giá điện có thể gây ra những khó khăn không nhỏ cho người dân, đặc biệt là đối với các hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Đồng thời, việc tăng giá mạnh ở các bậc cao có thể khiến một số hộ gia đình rơi vào tình trạng khó khăn nếu không điều chỉnh thói quen sử dụng điện. Vị chuyên gia này cũng nhận định bậc 1 của biểu giá 6 bậc hiện hành (dưới 50kWh) đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế tiêu dùng hiện nay, bởi rất ít hộ gia đình sử dụng ít điện như vậy. Vì thế, việc nâng mức bậc 1 lên 100kWh trong biểu giá mới là hợp lý, nhưng cần cân nhắc mức tăng ở các bậc trên để giảm áp lực cho người dân.
Đối với doanh nghiệp, đề xuất này cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhóm khách hàng sản xuất dự kiến phải đối mặt với mức tăng từ 2,4 - 3,3% trong cơ cấu giá bán lẻ điện. Điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch và nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về tài chính.
Theo tính toán của Bộ Công thương, mức tăng này nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí cho ngành điện, đồng thời giữ được mức lợi nhuận hợp lý để phát triển hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, việc điều chỉnh giá điện quá thường xuyên có thể gây ra sự bất ổn cho doanh nghiệp. VCCI đề nghị thời gian tối thiểu giữa các lần điều chỉnh giá điện bình quân nên được giữ nguyên ở mức 3 tháng thay vì 2 tháng như đề xuất, nhằm phù hợp với chu kỳ tổng hợp dữ liệu kế toán và giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng việc tăng giá điện là để ngành điện lực duy trì hoạt động và đầu tư phát triển trong bối cảnh các chi phí đầu vào biến động mạnh. Tuy nhiên, cần có những biện pháp minh bạch và hợp lý trong cách tính toán và công bố giá điện. Hiện nay, theo quy định tại dự thảo, EVN sẽ tự công khai báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện trên trang thông tin của mình thay vì Bộ Công thương thực hiện như trước. VCCI đề nghị bổ sung thời điểm cụ thể để EVN thực hiện công bố, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc trình bày các thông tin theo một thể thức kế toán thống nhất. Điều này không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng theo dõi mà còn tăng cường tính minh bạch trong việc quản lý và điều hành giá điện.
Như vậy, điều chỉnh giá điện là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ dựa vào yếu tố tài chính mà còn phải xem xét đến tác động xã hội. Áp dụng mức giá hợp lý và minh bạch đồng thời có những chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, sẽ giúp giảm bớt tác động tiêu cực của việc tăng giá điện. Trong bối cảnh hiện nay, mọi quyết định liên quan đến giá điện không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là thước đo sự đồng thuận xã hội.
Hoàng Phong