Nhiều loại thực phẩm tăng giá trong 6 tháng đầu năm
So với tháng trước, CPI tháng 6/2025 tăng 0,48%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá.
Trái ngược với những tháng trước, trong tháng 6, nhóm giao thông tăng giá 1,66% so tác động của các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ giữa tháng 5. Giá vận tải đường sắt cũng tăng 5,15%.
Bên cạnh đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% khi nguồn cung khan hiếm, chi phí sản xuất và nhu cầu xây dựng cao; giá thuê nhà tăng 0,51% do giá bán bất động sản ở mức cao, chi phí bảo trì, vận hành tăng; giá điện sinh hoạt tăng 5% do nhu cầu sử dụng điện tăng và EVN tăng giá điện sinh hoạt từ ngày 10/5/2025; giá nước sinh hoạt cũng tăng 0,22%; giá dầu hỏa tăng 3,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Ngoài ra, các nhóm văn hóa, giải trí, du lịch, thuốc lá… cũng tăng theo thời vụ. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chi phí nhập khẩu nguyên liệu dược tăng khi tỷ giá tăng.
Trong tháng chỉ có duy nhất nhóm bưu chính- viễn thông giảm giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2025 tăng 3,57%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Theo Cục Thống kê, CPI quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2024. Theo đó, chỉ có 2 nhóm hàng là giao thông và bưu chính, viễn thông giảm giá trong tháng, còn các nhóm hàng khác đều tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
V. Hằng