Hiện tại, mức sinh của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đạt trung bình 1,91 con/phụ nữ. Nếu không có giải pháp hiệu quả và kịp thời, dân số Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng âm trong giai đoạn 2054 - 2059.
Nguy cơ tăng trưởng âm
Theo thống kê của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) về số liệu liên quan đến tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2024 của 34 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sau sắp xếp, 13/34 tỉnh, thành có mức sinh dưới mức sinh thay thế (TFR dưới 2,1 con/phụ nữ).
Trong đó, 5 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là: TP HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long (TFR từ 1,43 đến 1,6 con/phụ nữ).
Có 18 tỉnh, thành có tổng tỷ suất sinh đạt mức sinh thay thế đến dưới mức sinh cao (TFR từ 2,1 đến dưới 2,5 con/phụ nữ), và 3 tỉnh có mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ).
Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ xuất sinh thấp nhất cả nước.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), đã có sự thay đổi liên quan đến chỉ tiêu mức sinh ở một số địa phương sau sáp nhập tỉnh, thành. Đây là một chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030 và có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Hiện tại, mức sinh của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đạt trung bình 1,91 con/phụ nữ. Nếu không có giải pháp hiệu quả và kịp thời, dân số Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng âm trong giai đoạn 2054 - 2059.
Mức sinh thấp kéo theo nguy cơ giảm nhanh nhóm dân số trong độ tuổi lao động, già hóa dân số và ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững.
Có nhiều yếu tố khiến người dân, đặc biệt là giới trẻ tại các thành phố lớn ngại sinh con, bao gồm áp lực kinh tế, công việc, nhà ở, mong muốn tự do tận hưởng cuộc sống cá nhân. Cùng với đó, việc nuôi dạy con cái đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí, khiến nhiều người cảm thấy e ngại.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế và các chuyên gia, mong muốn có hai con vẫn là chuẩn mực phổ biến của đại đa số gia đình Việt Nam hiện nay. Đây là cơ hội quan trọng để ban hành các chính sách hỗ trợ sinh đủ hai con nhằm bảo vệ mức sinh thay thế hiện tại.
Nhiều chính sách khuyến khích mức sinh
Chiều 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.
Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc sửa đổi này nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tránh để mức sinh giảm quá thấp, không đạt mức sinh thay thế - điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng trong tương lai.
Ngoài ra, nhiều chính sách khuyến sinh đã và đang được nghiên cứu, như việc không xử lý kỷ luật Đảng viên sinh con thứ ba, hay đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng trong dự thảo Luật Dân số mà Bộ Y tế trình Chính phủ.
TP Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em - Ảnh minh họa nguồn Internet
Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có cơ sở vật chất, y tế, văn hóa, giáo dục tốt nhất cả nước nhưng lại là thành phố có mức sinh thay thế thấp nhất cả nước, một chỉ số rất đáng suy ngẫm.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 5, chính quyền thành phố đã rà soát danh sách phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi (có ngày sinh con thứ hai trong khoảng 21/12/2024 - 15/4/2025) để triển khai chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi sẽ được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người hưởng bảo trợ xã hội hoặc sinh sống tại xã đảo sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng khi thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh.
Trong đó, định mức hỗ trợ bao gồm: 600.000 đồng cho tầm soát trước sinh, 400.000 đồng cho sàng lọc sơ sinh và một triệu đồng tiền mặt.
Thúy Nga