Nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều 8/7, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận tổ đại biểu về lĩnh vực KT-XH đối với 7 nội dung gồm: Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội; Nghị quyết quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô); Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô);
Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh Tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội; Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030; các nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô; nội dung về tổ chức hoạt động của chính quyền cấp xã thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tiếp thu, làm rõ một số nội dung đại biểu thảo luận tại tổ chiều 8/7
Làm rõ nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp giảm
Qua tổng hợp của HĐND TP cho thấy, thảo luận về Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ; các Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và của HĐND TP trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH đã được xác định từ cuối năm 2024 và các nội dung, nhiệm vụ công tác năm 2025.
TP Hà Nội đã chủ động, quyết liệt triển khai sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, vượt qua những biến động của thị trường thế giới, thành phố đã tích cực tập trung triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển KT-XH, đạt được nhiều kết quả ấn tượng về thu ngân sách, thu hút vốn FDI.
Cùng với đó, thành phố đã triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng để thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2021- 2025; tập trung các giải pháp chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố tiếp tục quan tâm triển khai công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; ban hành các kế hoạch thực hiện Quy hoạch thủ đô Hà Nội. Tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thi hành Luật Thủ đô...
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và đề nghị đánh giá kỹ hơn công tác giải ngân đầu tư công; tiến độ một số công trình trọng điểm vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Bổ sung thêm các nguyên nhân khiến việc số lượng doanh nghiệp giảm so với năm 2024, các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân; làm rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai; tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch...
Đại biểu HĐND TP tham gia thảo luận tại tổ
Rà soát nghiên cứu Quỹ đầu tư để tìm ra các "doanh nghiệp kỳ lân"
Tại phiên thảo luận của các tổ, đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng cuối năm 2025, trong đó đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm của thành phố; tăng cường hiệu quả phối hợp các cấp, ngành, xã, phường để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đề nghị thành phố có giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Hà Nội, trong đó cần quan tâm đối với các loại hình chuyên giao công nghệ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới như chíp bán dẫn...
Rà soát nghiên cứu Quỹ đầu tư với mục tiêu tìm ra các "doanh nghiệp kỳ lân" với giải pháp phát triển công nghệ cao đột phá về các lĩnh vực (như y sinh, công nghệ mới, AI...) và có nguồn vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thử nghiệm với chi phí tối ưu... để thu hút doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Tăng cường thực hiện các biện pháp mạnh tay để trấn áp, xử lý thật nghiêm các cơ sở sản xuất, vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại biểu quan tâm, đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025
Khu phát triển thương mại và văn hóa cần có dấu ấn riêng
Góp ý vào nội dung Nghị quyết Quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa, đại biểu đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, xác định các nội dung hỗ trợ, các nguồn kinh phí hỗ trợ, làm rõ căn cứ đề xuất các hỗ trợ từ nguồn ngân sách; làm rõ các quy định về tiêu chí để xác định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, cơ chế thực hiện...
Đồng thời cần nghiên cứu kỹ để gắn các di tích lịch sử truyền thống, nét văn hóa độc đáo của từng khu vực vào trong thiết kế không gian, kiến trúc, công trình và sản phẩm của từng Khu phát triển thương mại và văn hóa để tạo dấu ấn riêng nhằm gia tăng giá trị, thu hút được sự quan tâm, mua sắm, trải nghiệm; nghiên cứu hạn chế tối đa các loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện khi phát triển sâu về phát triển văn hóa.
Với Nghị quyết quy định về Trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội, các đại biểu đề nghị rà soát, xây dựng Nghị quyết theo hướng quy định khung, bám sát nội dung theo khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô (chỉ quy định: thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa).
Đại biểu đề nghị UBND TP đánh giá kỹ về phạm vi, đối tượng và tổ chức hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa; gắn việc xây dựng các Trung tâm này với cơ chế tài chính, đầu tư, quản lý của thành phố... Nghiên cứu các cơ chế đặc thù để vận hành hiệu quả, phát huy tối đa giá trị, lợi thế, vị trí của từng khu vực.
Đề nghị UBND TP đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch làng nghề; tạo cơ chế để cho các cơ sở sản xuất thủ công tiếp cận với thị trường. Có quy hoạch khu vực tập trung các khu công nghiệp văn hóa để thu hút nguồn lực cho các làng nghề.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ đại biểu HĐND TP
Khảo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho chính quyền cấp xã
Về Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, các đại biểu đề nghị quá trình triển khai thực hiện cần công khai, quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh; ưu tiên triển khai cho học sinh ở các khu vực miền núi, khu vực bãi sông, khu vực khó khăn, xa trung tâm và các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Đối với các khu vực chưa tổ chức bữa ăn bán trú, đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị rà soát để hỗ trợ đảm bảo phù hợp thực tiễn.
Với Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung hỗ trợ đào tạo, tập huấn chất lượng đội ngũ tư vấn viên; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo giá trị gia tăng nào cho doanh nghiệp...
Về tổ chức hoạt động của chính quyền cấp xã thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đại biểu đề nghị UBND TP làm rõ về một số kết quả và khó khăn, vướng mắc trong triển khai hoạt động của chính quyền cấp xã; làm rõ hơn việc phân cấp để tạo điều kiện cho cấp xã triển khai các nhiệm vụ công tác; kịp thời điều chỉnh việc khai thác nguồn thu của cấp xã; làm rõ công tác quản lý tài sản công của các xã, phường bảo đảm sử dụng hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề nghị thành phố quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường khảo sát hoạt động của chính quyền cấp xã để kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở.
Vân Hà - Ảnh: Phạm Hùng