Cung cấp hơn 36.000 vụ việc trợ giúp pháp lý
Theo Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, trong 27 năm qua (1997 - 6.2024), các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã cung cấp dịch vụ pháp lý cho gần 815.000 lượt người nghèo (chiếm khoảng 33,3% tổng số người được trợ giúp pháp lý). Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2017, các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Sơn La tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mạnh Tuấn
Kết quả, từ năm 2018 đến hết 31.5.2024, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã cung cấp 36,248 nghìn vụ việc cho người nghèo; trong đó có 22.163 vụ việc tư vấn pháp luật, 9.376 vụ việc tham gia tố tụng, 178 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Phân theo lĩnh vực, có 8.346 vụ việc trong lĩnh vực hình sự; 12.479 vụ việc trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình; 3.416 vụ việc trong lĩnh vực hành chính và 7.476 vụ việc trong lĩnh vực khác.
Trong các vụ việc tham gia tố tụng cho người nghèo, có nhiều vụ việc thành công, hiệu quả được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận; như người thuộc hộ nghèo được trợ giúp pháp lý được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, hoặc người thuộc hộ nghèo được tăng mức bồi thường thiệt hại, đòi được quyền sử dụng đất.
Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, tuy nhiên, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, vẫn còn nhiều người thuộc hộ nghèo chưa biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý, chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo và nhóm người yếu thế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng không thuộc diện người nghèo (mặc dù họ còn khó khăn về kinh tế) để được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Hoàn thiện chính sách, chú trọng truyền thông
Nhiều chuyên gia chỉ ra một thực tế là một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn trước yêu cầu mới về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; như quy định về điều kiện có khó khăn về tài chính hiện nay mới chỉ giới hạn trong phạm vi người thuộc hộ cận nghèo hoặc người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định, trong khi trên thực tế điều kiện có khó khăn về tài chính đa dạng hơn. Do vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính của nhóm người được trợ giúp pháp lý (theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý).
Theo đó, người thuộc hộ cận nghèo, người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… đều được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu giúp đỡ pháp luật.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Sơn La tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Yên Châu
Không ít ý kiến cho rằng, hoạt động truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo chưa đạt hiệu quả như mong đợi; hoạt động phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức khác còn chưa chặt chẽ; một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo vẫn chưa quan tâm đến quyền được trợ giúp pháp lý, nhất là người dân nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn... nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý miễn phí của họ.
Vì vậy, cần tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý thông qua việc triển khai nhiều cách thức truyền thông khác nhau, phù hợp với từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức trong việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, nhất là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; bảo đảm trực trợ giúp pháp lý 24/24 giờ trong điều tra hình sự, tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, liên thông chia sẻ các cơ sở dữ liệu có liên quan, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý…
Đặc biệt, triển khai hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý, tạo sự đồng bộ với các hoạt động khác trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các dự án, chương trình, đề án khác có nội dung trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, tập trung vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng; tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là trợ giúp viên pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trợ giúp pháp lý của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn…
Thảo Mộc