Tăng năng lực cạnh tranh nhờ ứng dụng công nghệ

Tăng năng lực cạnh tranh nhờ ứng dụng công nghệ
7 giờ trướcBài gốc
Lao động sản xuất tại Nhà máy sợi - Công ty CP Dệt may Huế
Tạo đà tăng trưởng
Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và chất lượng từ các đối tác quốc tế, Công ty CP Dệt may Huế (Huegatex) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm các thiết bị hiện đại như máy cắt tự động, máy kiểm tra vải, máy cuộn viền tự động… Những máy, thiết bị hiện đại đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi hoàn toàn quy trình may cổ áo. Từ chỗ may thủ công mỗi lần một cái và đòi hỏi thợ tay nghề bậc 5 hoặc bậc 6, nay chỉ cần thợ phổ thông vận hành thiết bị là có thể may đồng thời một lúc 6 cổ áo với độ chính xác cao.
Những cải tiến công nghệ này đã giúp công ty giảm thiểu sai sót trong thao tác, nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều. Đây là yếu tố then chốt giúp Huegatex duy trì sự tin cậy từ các đối tác quốc tế và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh do Tập đoàn Dệt may Việt Nam giao.
Huegatex còn tích cực triển khai phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và chuyển đổi số. Hiện, công ty tiếp tục thực hiện lộ trình đầu tư chiều sâu, với hàng loạt thiết bị hiện đại như robot bỏ sợi, máy chải cotton khổ lớn, máy gấp xếp, đóng túi tự động, máy lập trình trong nhà máy may và hệ thống năng lượng mặt trời áp mái... Công ty còn hướng đến tự động hóa toàn diện, thiết kế nhà máy may thông minh, số hóa quy trình quản lý điều hành để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
Một minh chứng khác từ Công ty CP Dệt may Phú Hòa An trong việc ứng dụng công nghệ đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh và nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với việc đầu tư máy trải vải và máy cắt tự động, công ty đã rút ngắn được thời gian sản xuất và giảm số lượng nhân công. Các sản phẩm sau khi cắt đạt độ chính xác cao, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Ông Lê Hồng Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty nhấn mạnh: "Tự động hóa giúp chúng tôi kiểm soát chất lượng tốt hơn, đảm bảo tiến độ giao hàng và giảm đáng kể chi phí sản xuất".
Không chỉ trong lĩnh vực dệt may, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh Huế - DN chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu hàng đầu trên địa bàn cũng đã đầu tư mạnh vào công nghệ để phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với hệ thống cân và đóng gói tự động, công ty đã giảm số lao động từ 20 người xuống còn 2 người/ca mà vẫn duy trì hiệu suất làm việc ổn định. Các công đoạn như cân, kiểm soát trọng lượng, loại bỏ dị vật nhờ máy dò kim loại… đều được thực hiện chính xác và liên tục, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Theo ông Phan Văn Hưng, Giám đốc Kỹ thuật C.P. Việt Nam – Chi nhánh Huế, nhờ công nghệ hiện đại, công suất luộc sản phẩm đã tăng từ 400kg lên 1.000kg/giờ, vừa đảm bảo tiến độ, vừa giảm áp lực lao động cho công nhân.
Cần thêm sự đồng hành
Không thể phủ nhận những thành tựu vượt trội khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất, song thực tế cho thấy, việc đầu tư công nghệ hiện đại vẫn là một bài toán khó đối với phần lớn DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hạn chế về nguồn lực tài chính, thiếu thông tin về các giải pháp công nghệ phù hợp, cũng như sự e ngại khi thay đổi mô hình vận hành truyền thống.
Theo ông Trần Văn Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Huế, việc triển khai các thiết bị tự động hóa, phần mềm quản trị tiên tiến hay chuyển đổi số toàn diện đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Trong khi đó, nhiều DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi tín dụng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành máy móc công nghệ, hoặc thiếu đội ngũ chuyên gia để tư vấn lộ trình công nghệ phù hợp với quy mô và ngành nghề hoạt động. Vì vậy, sự đồng hành từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính là điều hết sức cần thiết. “Cần có các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi cho các DN đầu tư vào công nghệ; các chương trình khuyến công, hỗ trợ đổi mới thiết bị; tổ chức các hội thảo chuyển giao công nghệ và giới thiệu mô hình điểm để DN học hỏi, nhân rộng”, Trần Văn Mỹ đề nghị.
Song song đó, việc đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng làm chủ công nghệ, hiểu biết về vận hành tự động hóa, lập trình máy móc hay phân tích dữ liệu cũng là yếu tố then chốt để công nghệ có thể phát huy hết hiệu quả. Các trường nghề, trung tâm đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với DN để xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, đồng thời cập nhật nhanh những xu hướng công nghệ mới, chuẩn bị lực lượng lao động cho giai đoạn sản xuất thông minh.
Thời gian qua, TP. Huế đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như: Kết nối chuyển giao công nghệ, liên kết với các đơn vị tư vấn, cung ứng thiết bị công nghệ, tổ chức tập huấn số hóa quản trị, hướng dẫn áp dụng phần mềm quản lý DN, chữ ký số, quản lý kho, kế toán điện tử… Những hoạt động này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng DN, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực quản lý và tối ưu chi phí vận hành.
Tuy nhiên, để công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy bền vững giúp DN phát triển, cần có chiến lược hỗ trợ tổng thể, dài hạn và linh hoạt; trong đó, DN đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, còn các tổ chức hỗ trợ và đơn vị nghiên cứu, đào tạo là cánh tay nối dài, cung cấp tri thức và giải pháp. Chỉ khi các bên cùng phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng nhau, việc đổi mới công nghệ trong DN mới có thể trở thành phong trào sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế địa phương trong kỷ nguyên mới.
Bài, ảnh: HẢI THUẬN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/tang-nang-luc-canh-tranh-nho-ung-dung-cong-nghe-153023.html